HOTLINE

Vận dụng bài học tiết kiệm của Bác Hồ

(Thanhuytphcm.vn) - Bà Nguyễn Thị Liên, nguyên cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch, kể lại: Khi làm việc ở văn phòng Bác, đôi khi bà còn đảm nhận việc khâu, vá quần áo, chăn, màn, áo gối cho Bác. Công việc này giúp bà có điều kiện được gần Bác và học tập được rất nhiều. Những năm tháng giúp việc ở văn phòng Bác, bà đã có những kỷ niệm không bao giờ quên. Bà kể, ở Việt Bắc, có một buổi Bác đi công tác về muộn, về qua văn phòng, Bác nghỉ lại một lát vì mệt. Đồng chí Hoàng Hữu Kháng, bảo vệ của Bác, nói với bà: “Bác mệt không ăn được cơm. Cô nấu cho Bác bát cháo”. Bác đang nằm nghỉ nghe thấy thế liền bảo bà: “Cô nấu cháo cho Bác bằng cơm nguội ấy, vừa chóng chín, vừa tiết kiệm được gạo, khỏi bỏ phí cơm thừa”…

Câu chuyện đó hẳn khiến chúng ta xúc động và thương Bác Hồ quá đỗi. Bác thật giản dị và chắt chiu, không phải vì tiết kiệm được chút cơm gạo mà là một hành động có tính biểu tượng, nhất quán với tư tưởng về thực hành tiết kiệm của Người, qua đó làm gương cho nhiều người về cách ứng xử với của cải, với sức lao động, với điều kiện của xã hội và đất nước lúc bấy giờ.

Chúng ta hẳn đã đọc, xem phim, nghe kể rất nhiều mẩu chuyện về tinh thần tiết kiệm, trong đó có tiết kiệm thức ăn, của Bác Hồ. Mỗi chuyện đều có thể đọng lại cho chúng ta những tình cảm sâu lắng, thúc đẩy chúng ta thực hành một cách cụ thể và tích cực, không chỉ trong việc ứng xử với thức ăn mà còn nhiều điều khác. Tất cả những điều đó chúng ta đều có thể vận dụng trong cuộc sống thực tiễn của mình, không chỉ giúp bản thân sống tốt hơn mà còn lan tỏa đến nhiều người khác.

Chẳng hạn, trong việc tiết kiệm thức ăn, mỗi người nên tự thực hành thường xuyên, liên tục, cũng như trong thực hành các thói quen tích cực khác. Với một số thói quen chưa tốt, cần điều chỉnh nhằm thể hiện việc ăn uống tiết kiệm và có văn hóa. Trong đó, một số thói quen khá phổ biến nhưng chưa thực sự tích cực như bỏ một miếng cuối, không ăn thức ăn thừa (khi còn ăn được và được bảo quản tốt), không ăn thức ăn hâm lại (dù chất lượng vẫn còn tốt), ít chú ý việc bảo quản đúng cách thức ăn khi ăn chưa hết… Có thống kê chỉ ra rằng, Việt Nam đứng thứ hai về chỉ số lãng phí thực phẩm trong khu vực. Hơn 50% thức ăn bị lãng phí ban đầu được tạo ra do tâm lý “để phần” cho những người không thể có mặt trong bữa ăn đó cùng gia đình. 49% những người để thức ăn trong tủ lạnh sẽ quên lãng nó đến khi đồ ăn không còn ăn được. 35% không biết cách kiểm soát khẩu phần ăn (khi chế biến) một cách hợp lý dẫn đến nấu dư thừa so với nhu cầu ăn uống của gia đình. Cơm/bún/phở/mì chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số những loại thức ăn bị lãng phí (68%); kế đến là thịt/cá nấu chín (53%) và rau củ (44%)[1].

Hay trong thực hiện các công việc, các thao tác hợp lý sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức, tăng hiệu quả làm việc. Chẳng hạn, ở các cơ quan, việc chủ động kế hoạch làm việc cho một số hoạt động cụ thể sẽ có thời gian để chuẩn bị các công việc chỉn chu hơn, ít mắc sai sót, ngay cả việc phát hành thư mời thì không cần phải gửi hỏa tốc và người nhận được cũng có thời gian sắp xếp. Hoặc trong tổ chức một số hội nghị, nếu có thành phần gần nhau thì có thể bố trí thời gian gần nhau, để vừa kết thúc cuộc trước thì thay đổi một vài đại biểu để tổ chức cuộc tiếp theo, nhằm giảm thời gian, công sức tổ chức, khâu chuẩn bị hội trường, việc đi lại của đại biểu…

Đối với các doanh nghiệp, trong số các giải pháp nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động có việc thực hiện tiết kiệm, đặc biệt là tiết kiệm năng lượng, rất cần thiết và có ý nghĩa cạnh tranh quan trọng. Hiện ngành công nghiệp Việt Nam chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30 - 35%[2]. Do đó, việc tuyên truyền cho công nhân các lợi ích của việc tiết kiệm các loại năng lượng, tiến hành phát động các phong trào thi đua và biểu dương các tập thể, cá nhân có giải pháp tiết kiệm năng lượng sẽ góp phần không nhỏ vào việc tăng mức tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, các doanh nghiệp nên thay thế các thiết bị hiện đại, vừa an toàn, vừa tiết kiệm hơn, giải phóng sức lao động hiệu quả hơn. Ngoài ra, cần áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý năng lượng để giúp các doanh nghiệp cải thiện việc sử dụng năng lượng và sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả…

Một số giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tại các doanh nghiệp sản xuất. (Nguồn: TTXVN)

Trong bối cảnh TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới, đồng thời, trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng có dấu hiệu tăng cao do giá xăng dầu liên tục tăng, vấn đề tiết kiệm được đặt ra cho từng cá nhân, từng hộ gia đình, từng doanh nghiệp và toàn xã hội. Mỗi người thực sự cần vận dụng bài học tiết kiệm của Bác Hồ trong việc hoạt động thực tiễn, không chỉ trong tiêu dùng, sinh hoạt mà còn trong làm việc, sản xuất, kinh doanh. Tinh thần tiết kiệm ở từng hành vi nhỏ không chỉ có ý nghĩa cho cá nhân, gia đình mà còn thúc đẩy thói quen, xu hướng tiết kiệm trong toàn xã hội.

Đặc biệt, ở tầm vĩ mô, cần có những chính sách thể hiện sự tiết kiệm rõ nét, như tăng năng suất lao động trong các cơ quan nhà nước, nhất là khối hành chính; rút ngắn thời gian giải quyết các nhu cầu hành chính của người dân, thông qua việc giản lược một số quy trình ít quan trọng, ứng dụng công nghệ, liên thông giữa các cơ quan…; nâng chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ công chức, bằng việc bổ sung và bố trí các cán bộ công chức có năng lực chuyên môn, phân công và sắp xếp công việc hợp lý…; chế tài nghiêm khắc các biểu hiện lãng phí… Có như vậy thì mới thúc đẩy toàn xã hội thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các hoạt động.

Nguồn: Trúc Giang - hcmcpv.org.vn

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi