HOTLINE

NHỮNG CON NGƯỜI BIẾT MÙI HUN KHÓI

Xin tặng Nahông (1) , người đã bị quân phiệt thực dân ám hại, bài ký này

"Chính cuộc chinh phục hệ thống thuộc địa đã rèn luyện tài nǎng chiến đấu của số đông những nhà chỉ huy quân sự lớn của ta, những con người đã đưa ta đến chiến thắng, đã được dư luận Pháp ca ngợi vinh quang và chiến công ngay khi mang lá cờ nước ta đến dưới những bầu trời châu Phi hay châu Á".

Haútxa (2) , tháng 1 nǎm 1998.

Thành phố Haútxa cờ xí tưng bừng. Tưởng đâu như một vị chúa xuân đã gõ cây đũa thần lên gỗ ván khô khốc ở các bao lơn và các cửa sổ, làm mọc ra muôn vàn tấm lá đỏ phấp phới yêu kiều trước gió. Đây là lễ kỷ niệm lần thứ nǎm mươi ngày thành lập Cộng hòa liên hiệp Phi. Chưa bao giờ dân chúng lại tham gia với mức độ ấy những hội hè loại này. Từ sáng sớm, các đường phố, các quảng trường y như một dòng sông người. Từng đoàn học sinh, giương cờ đi đầu, vừa diễu qua các phố vừa hát Quốc tế ca, được dân chúng vỗ tay hoan nghênh. Trên quảng trường Xôviết, một cụ già hô hào đám đông. Đó là cố Kimengô, mệnh danh là Con người biết mùi hun khói.

Cụ Kimengô, tuổi đã chín mươi, là một cựu chiến sĩ của quân đội cách mạng, một trong những người sáng lập Cộng hòa da đen. Được phú bẩm một trí thông minh đặc biệt sắc sảo, lại am hiểu tường tận mọi sự kiện chính trị và xã hội của thời đại, cụ Kimengô không những đã ra sức thức tỉnh anh em cùng màu da ra khỏi giấc ngủ mê say của con người nô lệ, mà còn cố gắng phá tan mọi thành kiến dân tộc và chủng tộc, tập hợp những người bị bóc lột thuộc các màu da trong cuộc đấu tranh chung. Cụ đã thành công. Kimengô là một trong số hiếm những người đã chịu gian khổ lớn để gieo hạt và được hưởng hạnh phúc lớn gặt vụ mùa thắng lợi. Mái tóc cụ bạc phơ như tuyết khuôn rực rỡ bộ mặt màu mun. Đôi mắt cụ hiền dịu và nhìn sâu thẳm. Miệng cụ luôn tươi cười, dù trước những nguy nan nghiêm trọng nhất hay trong những giờ phút đen tối nhất. Từ toàn bộ con người cụ toát ra nhân từ và cao quý. Cụ đáng tôn kính và được tôn kính.

Chúng tôi đến nơi thì cụ đã nói được nửa chừng, và đây là những lời mà chúng tôi nghe được:

"... Có những từ ngữ mà người già các bác trước kia thường nghe thường nói, thì nay không còn trong từ ngữ của các cháu nữa. Và như thế là tốt. Bây giờ các bác nói đến toà án, cảnh sát, quân đội, nhà tù, thuế khoá, thì các cháu chẳng mấy người hiểu những cái đó là cái gì.

"Thời bác thì nước Cộng hoà của chúng ta là thuộc địa Pháp. Trong nước, có người giàu và người nghèo. Người giàu là những kẻ hưởng tất cả, tuy gì cũng chẳng làm. Người nghèo là những kẻ gì cũng làm, mà chẳng được hưởng gì cả. Người nghèo phải chịu chết chóc cho người giàu khi nào bọn này bất hoà với nhau: cái đó gọi là thuế máu. Người nghèo làm ra được cái gì đều phải nộp cho người giàu: cái đó gọi là thuế tiền.

"Vậy nhé, bọn tư bản da trắng lấy nước ta làm thuộc địa xong, nó bắt các bác phải nộp các thứ thuế, mặc dầu các bác nào có của nả gì đâu. Nộp thì không có gì để nộp; để khỏi bị hành hạ, các bác phải bỏ trốn vào rừng. Chúng nó đem chó và đem súng đuổi theo, các bác đành phải ẩn vào một cái hang, ngày nay gọi là hang Tuẫn nạn.

 

"Bọn bác hơn hai trǎm mạng, đàn ông có, đàn bà có, trẻ em có. Cứ tưởng rằng như thế là tạm yên thân, nên mặc dầu phải chịu ẩm, chịu tối, chịu đói, cực lắm, các bác có ý định cứ nán lại đó càng lâu càng hay, vì biết rằng bọn nó vẫn rình ở ngoài hang với súng ống. Hang tối như bưng ngày cũng như đêm, bác chẳng biết ở trong đó bao lâu.

"Chẳng trông thấy gì hết, chẳng nghe thấy gì hết, trừ tiếng chó sủa dữ dội, xa xǎm, nhắc nhở rằng tình thế vẫn hiểm nghèo.

"Một ngày nọ, nói đúng hơn là một đêm nọ, các bác ngửi thấy có cái mùi khét lẹt tràn vào chỗ náu trong lòng đất. Mùi khét nặng lên nhanh và trở thành không thể chịu nổi. Gì thế? Chẳng ai biết... Trẻ nhỏ thì khóc, đàn bà thì la, đàn ông thì chửi. Hoảng loạn! Chạy đi ư? Nhưng chạy đâu chứ? Khủng khiếp quá! Tiếng rǎng lập cập, tiếng thét xé tai, tiếng nấc, tiếng thân người đổ xuống, tiếng khóc điên rồ, làm cho cái xó tối ám khói đó hệt như là một địa ngục.

"Bấy giờ bác ở tận cuối hang. Bác theo bản nǎng nhắm mắt, ngậm miệng, áp mặt vào vách hang. Như thế cảm thấy dễ thở hơn và ngủ đi lúc nào không biết. Tỉnh dậy thì thấy có tia sáng chiếu chếch vào mặt, đấy là một kẽ hở qua đất, nhờ đó mà bác thở được và thoát chết. Bác nhằm đào một lối ra phía đó, nhưng chỉ mệt xác vô ích. Bác bèn quyết định thôi đành liều mạng cứ phía cửa hang mà ra. Quờ quạng và dẫm qua hai trǎm xác chết hun mới trở lại được với khoảng trời tự do.

"Bác ǎn cỏ, ǎn rễ cây, đi lang thang hết làng này sang làng nọ; cuối cùng thì được bố của đồng chí người da trắng này đây thu nhận về nuôi như con. Ông đã dạy dỗ bác theo những nguyên tắc của tình hữu ái và của chủ nghĩa cộng sản; ông cũng đã cho bác biết tên thằng da trắng vì muốn thu thuế mà đã hun các bác chết ngạt một cách man rợ như vậy.

"Thằng hun khói, tên nó là Bruye, là đại diện của nước Pháp và là công sứ ở Haútxa".

................................................

(1) Nahông là một người lính thuộc địa đã bị một tên quan ba Pháp giết hại năm 1922 ở miền đông Maroc

(2) Hautxa là tên một tộc người ở Tây Phi. Ở đây, tác giả lấy tên đó đặt cho một thành phố tưởng tượng của châu Phi độc lập và thống nhất trong tương lai

Tin tức khác

TOÀN VĂN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP

ĐƯỜNG KÁCH MỆNH

BẢN ÁN CHẾ ĐỘ THỰC DÂN PHÁP

CẢNH RỪNG VIỆT BẮC

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi