“Mua sắm xanh” là mua sắm các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường. Cân nhắc sự cần thiết của việc mua sản phẩm mới, xem xét vòng đời của sản phẩm, đánh giá nỗ lực của nhà cung ứng trong bảo vệ môi trường, thu thập thông tin về môi trường là 4 nguyên tắc cần thực hiện trong “Mua sắm xanh”.
Bệnh nhân, nhân viên y tế có thể tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây hại như tác nhân sinh học, hóa học tại các cơ sở y tế, các rủi ro về sức khỏe do quản lý chất thải y tế và đốt chất thải không đúng cách. Hoạt động sản xuất sản phẩm thuốc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường khi dược phẩm tích lũy trong môi trường ngày càng tăng. Hoạt động y tế cũng có tác động đến biến đổi khí hậu và sức khỏe toàn cầu thông qua phát thải khí nhà kính.
“Mua sắm xanh” là việc mua sắm các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam hoặc được công nhận theo quy định của pháp luật. Việc thực hiện “Mua sắm xanh” có thể thúc đẩy các tác động sức khỏe tích cực cho bệnh nhân, cộng đồng và môi trường, giảm tỷ lệ đáng kể phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực y tế.
“Mua sắm xanh” giúp nâng cao độ an toàn về sức khỏe cho người dân và cộng đồng; giảm thiểu sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên; phát triển các sản phẩm mới, thân thiện với môi trường hơn; kích thích hình thành thị trường mới đối với vật liệu tái chế và gia tăng việc làm; nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; tiết kiệm chi phí mua sắm và sử dụng; tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường do mua các sản phẩm/dịch vụ xanh sẽ giảm nguy cơ thải các hóa chất độc hại vào đất, không khí và nước.
4 nguyên tắc trong “Mua sắm xanh”
Thứ nhất, cân nhắc sự cần thiết của việc mua sản phẩm mới. Bước đầu tiên trước khi mua sắm là cân nhắc kỹ xem sản phẩm hay dịch vụ có cần thiết hay không. Việc sửa chữa hay thay đổi các sản phẩm đang được sử dụng cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, giải pháp thuê hoặc cho thuê cũng nên được xem xét hoặc mua các sản phẩm mới với số lượng vừa đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng.
Thứ hai, xem xét vòng đời của sản phẩm. Khi quyết định mua sản phẩm, cần xem xét các tác động khác nhau tới môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm, từ giai đoạn thu mua nguyên liệu thô cho tới khi thải bỏ sản phẩm. Cụ thể là giảm thiểu các chất độc hại; sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng; sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên; tăng độ bền; thiết kế để tái sử dụng; thiết kế để tái chế; sản phẩm có chứa vật liệu tái chế; tính thải bỏ.
Thứ ba, nỗ lực của nhà cung ứng trong bảo vệ môi trường. Ngoài việc đánh giá sản phẩm, người tiêu dùng cũng cần đánh giá những hoạt động bảo vệ môi trường của nhà cung ứng, như doanh nghiệp có áp dụng chính sách bảo vệ môi trường không? Có triển khai các biện pháp quản lý môi trường phù hợp hay không? Hoặc, có tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường không?
Thứ tư, thu thập thông tin về môi trường. Trước khi quyết định mua một sản phẩm, người tiêu dùng nên quan tâm một số thông tin môi trường, như nhãn môi trường, thông tin của doanh nghiệp trên sản phẩm hoặc trang mạng. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể yêu cầu nhà phân phối cung cấp các thông tin chi tiết hơn về môi trường của sản phẩm đó.
Khoa SKCĐ-MT&BNN, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố