HOTLINE

BỎNG: hướng dẫn xử trí ban đầu khi trẻ bị bỏng nhiệt

Bỏng là một chấn thương hay vết thương do yếu tố vật lý (nhiệt nóng, lạnh), hóa học, bức xạ gây nên dẫn đến huỷ hoại da và tổ chức dưới da. Bỏng gây đau đớn cho trẻ nhỏ, làm cho trẻ dễ hoảng sợ và có thể bị sốc. Đặc biệt, các vết bỏng nặng đều gây tổn thương nghiêm trọng, để lại sẹo vĩnh viễn, ảnh hưởng đến cử động làm biến dạng cơ thể, gây tàn phế suốt đời.

Tai nạn bỏng nhiệt khá phổ biến trong đời sống hàng ngày và trong các hoạt động vui chơi giải trí của trẻ em. Tại Việt Nam, theo Viện Bỏng quốc gia trong 100 nạn nhân bị bỏng phải nhập viện, có khoảng 2/3 là trẻ em, nhất là trẻ ở từ 1 đến 6 tuổi. Ở lứa tuổi này, trẻ thường hiếu động, thích tò mò, khám phá nhưng chưa hiểu hết về sự nguy hiểm. Đối với trẻ em, bỏng với diện tích nhỏ cũng gây ra tình trạng mất nước, có thể dẫn đến sốc, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, suy kiệt và nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, bỏng còn ảnh hưởng đến tâm sinh lý, sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ.

Do đó khi trẻ bị bỏng nhiệt, việc sơ cấp cứu đúng và kịp thời sẽ giúp trẻ thoát khỏi nguy hiểm và giảm biến chứng của tai nạn bỏng.

Nguyên nhân và cách nhận biết gây bỏng thường gặp ở trẻ nhỏ?

Bỏng nhiệt chiếm tỷ lệ lớn trong các trường hợp bỏng, bao gồm nhiệt khô (lửa, kim loại nóng đỏ, chất khí nóng, ...) và nhiệt ướt (hơi nước nóng, chất lỏng nóng sôi, ...). Bỏng hoá chất và bỏng điện cũng là những nguyên nhân thường gặp. Bức xạ từ ánh sáng, tia cực tím, tia X và các hạt bức xạ khác cũng có thể gây bỏng.

Khi trẻ bị bỏng, da vùng bị bỏng sẽ thay đổi màu sắc, trở nên đỏ hoặc tím và có thể xuất hiện các nốt phồng lớn và nhỏ, xung quanh nề đỏ, đau rát. Trẻ có thể biểu hiện hoảng sợ, sợ hãi, vật vã, la hét, ... Nhận biết kịp thời là cần thiết để thực hiện sơ cấp cứu một cách hiệu quả.

Phải làm gì khi trẻ nhỏ bị tai nạn bỏng?

Bước 1: Loại trừ tiếp xúc với tác nhân gây bỏng càng sớm càng tốt

Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nguồn tác nhân gây bỏng: Bế khỏi bồn tắm nóng, nước nóng sôi, bàn là nóng... Cởi bỏ quần áo thấm đẫm nước sôi… Và đưa trẻ đến nơi an toàn, thông thoáng, khô ráo và thuận tiện cho việc thực hiện sơ cứu ban đầu.

Bước 2: Đánh giá ban đầu, đảm bảo chức năng sống

Đánh giá về tình trạng ý thức (tỉnh hay không tỉnh), đường thở (thông thoáng hay tắc nghẽn), tình trạng hô hấp (có khó thở hay ngừng thở không), tuần hoàn (mạch ngoại vi còn hay không). Đồng thời, phát hiện các chấn thương kết hợp như gãy xương hoặc chấn thương sọ não, chảy máu… Và tùy theo tổn thương của trẻ mà tiến hành cấp cứu phù hợp.

Bước 3: Nhanh chóng ngâm vùng bỏng vào nước sạch

Ngay sau khi bị bỏng (5 phút đầu sau khi bị bỏng), ngâm vùng bị bỏng vào nước lạnh sạch trong 10-20 phút. Khi ngâm vùng bị bỏng, hãy nhẹ nhàng lau sạch dị vật, bùn và chất bẩn khỏi vùng bị bỏng bằng gạc để tránh làm tổn thương thêm vùng da bị bỏng. Nước có thể ngâm rửa được vết bỏng là nước sạch, nhiệt độ nước tiêu chuẩn là từ 16 - 20 độ C. Tuy nhiên, vì là cấp cứu, cần tận dụng nguồn nước sẵn có ngay tại nơi bị nạn. Lựa chọn những nguồn nước sạch nếu có như nước đun sôi để nguội, nước máy, nước mưa, nước giếng...

Bước 4: Che phủ tạm thời vết bỏng

Che phủ vết bỏng bằng gạc vô khuẩn hoặc vải sạch. Sau đó, băng ép vết bỏng bằng băng cuộn, băng vải hoặc băng thun để tránh sưng tấy và tiết dịch ở vùng bỏng.

Bước 5: Ủ ấm, bù nước điện giải sau bỏng

Bỏng gây mất nước và muối, do vậy sau bỏng cần bù nước và muối đã mất cho trẻ bằng những cách đơn giản. Cho trẻ uống trà nóng, nước đường có pha thêm muối ăn, uống Orseol để bù điện giải. Đồng thời đắp chăn cho trẻ để giữ ấm.

Bước 6: Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất

Trẻ bị bỏng nhiệt khi sơ cứu cần lưu ý những gì?

Khi ngâm vùng bị bỏng vào nước sạch, chỉ rửa vùng bị bỏng và giữ ấm các phần còn lại của cơ thể, đặc biệt là vào mùa đông. Trẻ bị bỏng ở những vị trí như miệng và họng đặc biệt nguy hiểm vì vết bỏng này có thể gây sưng tấy phế quản và gây ngạt thở. Do đó, bạn nên nới lỏng quần áo quanh cổ và gọi số điện thoại khẩn cấp ngay lập tức. Tuyệt đối không được dùng nước mắm, kem đánh răng,… hay các loại thuốc mỡ không dùng chữa bỏng để đắp lên vết bỏng. Việc sơ cứu không đúng cách sẽ khiến tình trạng bỏng nặng thêm và gây khó khăn trong điều trị. Khi trẻ bị bỏng, cha mẹ và người thân phải bình tĩnh, nhanh chóng và nhẹ nhàng khi thực hiện sơ cứu.

Nguồn: Bộ Y tế, Bệnh viện Nhi Trung ương, Sổ tay “An toàn, vệ sinh viên tại cơ sở”.

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi