HOTLINE

SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC KHÁM SỨC KHỎE ĐỊNH KỲ CHO TRẺ DƯỚI 24 THÁNG TUỔI

Giai đoạn đầu đời từ 0 - 24 tháng tuổi là giai đoạn đặc biệt quan trọng, trẻ cần được khám sức khoẻ định kỳ nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường, xử trí kịp thời và tư vấn hướng dẫn cha mẹ cách chăm sóc nhằm giúp trẻ được phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và vận động để phát huy được tối đa tiềm năng trong tương lai.

Các giai đoạn cần thăm khám cho trẻ dưới 24 tháng tuổi

  • Giai đoạn sơ sinh
  • Giai đoạn từ 4-6 tháng tuổi
  • Giai đoạn từ 7-9 tháng tuổi
  • Giai đoạn từ 10-12 tháng tuổi
  • Giai đoạn từ 13-18 tháng tuổi
  • Giai đoạn từ 19-23 tháng tuổi

Nội dung khám sức khỏe định kỳ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi

1. Đánh giá tình trạng thể chất, dinh dưỡng: đánh giá chiều cao, cân nặng theo biểu đồ tăng trưởng của Tổ chức Y tế thế giới và tư vấn chế độ dinh dưỡng cho phụ huynh.

2. Đánh giá tình trạng phát triển tinh thần vận động: sử dụng bảng kiểm phát triển tinh thần vận động để phát hiện những bất thường về sự phát triển của các kỹ năng theo từng nhóm tuổi.

3. Khám da: kiểm tra những bất thường trên da.

4. Khám đầu cổ: đánh giá chu vi vòng đầu, hình dáng của đầu, đánh giá thóp (kích thước thóp, thóp phồng/trũng), khám cổ phát hiện sớm tình trạng vẹo cổ bẩm sinh,…

5. Khám mắt: chẩn đoán và điều trị sớm các vấn đề về mắt và thị lực.

6. Khám tai: sàng lọc các vấn đề về tai trong trường hợp mất thính lực, đau tai, chảy mủ, dị vật trong tai…

7. Khám răng miệng: Khám môi, lợi, vòm miệng, niêm mạc miệng, lưỡi, vòm miệng, amidan, quan sát các bất thường ở răng.

8. Khám hô hấp: quan sát hình dáng, kích thước lồng ngực, nhịp thở, kiểu thở….phát hiện sớm bệnh lý hô hấp.

9. Khám tim mạch: khai thác tiền sử gia đình và tìm các dấu hiệu bất thường.

10. Khám tiêu hóa và cơ quan sinh dục: khám và khai thác các triệu chứng bất thường về tiêu hóa (trẻ có nôn, táo bón, tiêu chảy…. hay không), tình trạng ăn uống của trẻ, quan sát đánh giá bộ phận sinh dục ngoài của trẻ.

11. Khám hệ cơ xương – thần kinh: phát hiện sớm những dị tật về cơ xương khớp thường gặp ở trẻ: bàn chân bẹt, chân vòng kiềng…..

12. Khám thần kinh: quan sát và nói chuyện với trẻ để đánh giá những bất thường về hành vi, ngôn ngữ, hệ thống vận động, trương lực cơ….

Những lợi ích khi cho trẻ khám sức khoẻ định kỳ

- Theo dõi sự tăng trưởng và phát triển: Trẻ sẽ được kiểm tra sức khỏe một cách tổng quát, đặc biệt là sự tăng trưởng về thể chất (cân nặng, chiều cao, thính giác, thị lực, hệ tiêu hoá, hô hấp,…), đồng thời khi khám sức khỏe định kỳ cho bé bác sĩ cũng sẽ đánh giá các mốc phát triển về thần kinh và vận động. Qua đó, có thể nhận biết sớm những bệnh do bẩm sinh, di truyền như tim bẩm sinhbệnh động kinh, cong vẹo cổ bẩm sinh,....

- Tiêm phòng: Khi khám sức khỏe định kỳ cho bé, cha mẹ sẽ được bác sĩ tư vấn cụ thể về các vấn đề tiêm phòng cho bé. Tiêm phòng đầy đủ sẽ giúp bé phòng ngừa được những bệnh nguy hiểm dễ truyền nhiễm.

- Đánh giá nguy cơ tự kỷ: Trẻ từ 18 – 23 tháng ngoài đánh giá về tinh thần vận động, trẻ được sàng lọc nguy cơ tự kỷ bằng công cụ Bảng hỏi Sàng lọc tự kỷ MCHAT-R (Modified Checklist for Autism in Toddlers, Revised). Trẻ sẽ được đánh giá chuyên sâu và can thiệp nếu cần. 

- Cha mẹ được hướng dẫn cách chăm sóc bé tốt hơn: Thông qua kết quả khám sức khỏe cho bé, bác sĩ sẽ trao đổi, đồng thời giải đáp để cha mẹ hiểu về tình trạng của bé, từ đó đưa ra những lời khuyên cũng như những giải pháp phù hợp để chăm sóc bé một cách tốt nhất. Ngoài ra cha mẹ được bác sĩ tư vấn về chế độ dinh dưỡng phù hợp

Khám sức khỏe cho trẻ nên được thực hiện một cách đều đặn, ngay cả khi trẻ không có các biểu hiện bất thường liên quan đến các bệnh lý thường gặp. Giai đoạn dưới 24 tháng tuổi là “thời kỳ vàng” cho sự phát triển của trẻ. Nếu được theo dõi và chăm sóc phù hợp về sức khỏe và dinh dưỡng, trẻ em không những phát triển tối đa trong giai đoạn hiện tại, mà còn tác động lâu dài đến sức khỏe và phát triển của trẻ lúc trưởng thành.

Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi