Đã từ lâu, rượu, bia được coi là đồ uống không thể thiếu trong mỗi dịp liên hoan, cưới hỏi,... đặc biệt là khi Tết đến, xuân về. Sử dụng rượu, bia ở liều lượng chừng mực để chúc nhau những điều tốt đẹp nhất đã trở thành văn hóa ở nước ta. Tuy nhiên, sử dụng rượu, bia quá nhiều, sai cách có tác động lên hầu hết các cơ quan trong cơ thể con người, cụ thể như sau:
Bệnh về gan: Gan là nơi chuyển hóa tất cả chất cồn từ rượu, bia sau khi uống vào cơ thể. Trong quá trình này, gan phải chuyển hóa và đào thải rất nhiều độc tố. Nếu tần suất uống rượu, bia nhiều, theo thời gian gan bị tổn thương và tích tụ nhiều chất béo dẫn tới gan nhiễm mỡ. Chất béo hạn chế lưu lượng máu đến các tế bào gan, khiến gan bị suy và dần mất chức năng, trở thành mô sẹo. Sử dụng rượu bia liên tục và trong thời gian dài, mô sẹo tại gan tăng lên và không hồi phục được có thể dẫn tới xơ gan, ung thư gan.
Ảnh hưởng tới não bộ: Khi một lượng cồn lớn vào trong cơ thể chúng gây rối loạn bộ não của cơ thể, khiến bộ não của chúng ta không còn kiểm soát, điều chỉnh được các hoạt động của các trung tâm dưới vỏ. Từ đó gây ra các hành động tiêu cực của người uống như đi đứng loạng choạng, phản ứng chậm, mất kiểm soát, suy giảm trí nhớ và tinh thần không ổn định…
Ảnh hưởng đến tim mạch: Rượu bia làm cho cơ tim bị thoái hóa, bộ máy tim mạch bị tổn thương, có thể gây ra suy tim. Dùng rượu mạnh trong thời gian dài có thể gây giãn cơ tim, phì đại tâm thất và xơ hóa; Rượu bia cũng làm tăng khả năng cao huyết áp, tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ lớn của đột quỵ và nhồi máu cơ tim; Những người uống nhiều rượu bia thường có lối sống không lành mạnh, ảnh hưởng đến giấc ngủ, nên càng dễ mắc bệnh tim mạch.
Tác hại đến thận: Vai trò quan trọng nhất của thận là lọc máu để loại bỏ các chất độc hại ra ngoài cơ thể. Khi uống nhiều rượu bia có thể làm thay đổi chức năng của thận và khiến thận không thể lọc máu dẫn đến suy thận.
Tác hại đến dạ dày: Theo một số nghiên cứu, khi rượu bia vào trong cơ thể sẽ bị phân hủy từ ethanol thành các acetaldehyde (chất rất độc) có thể gây viêm loét dạ dày; Rượu kích thích niêm mạc dạ dày, khiến cho nó tiết nhiều axit tiêu hóa hơn. Khi rượu và cả axit tích tụ trong dạ dày, bạn có thể thấy buồn nôn và nôn.
Làm tổn thương tuyến tụy, gây tiểu đường: Thông thường, tụy là nơi sản xuất insulin, giúp điều hòa nồng độ đường trong máu và một loạt các hooc-môn khác giúp ruột tiêu hóa thức ăn. Khi uống nhiều rượu, quá trình sản sinh các hooc-môn này sẽ bị gián đoạn hoặc làm chậm. Cùng với đó, các độc chất tích tụ vào tụy có thể gây viêm tụy, dần già dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng hơn. Một ngày nào đó, khi tuyến tụy bị mất chức năng, không thể tạo ra insulin, bạn sẽ bị mắc tiểu đường type 2. Rượu cũng làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy.
Gây loãng xương, tiêu cơ bắp: Tiêu thụ nhiều rượu có thể làm giảm lượng canxi trong cơ thể. Cùng với cách nó ảnh hưởng đến các hooc-môn tăng tưởng, rượu sẽ ngăn chặn quá trình hình thành tế bào xương mới. Khi đó, bạn sẽ dễ bị loãng xương; Chất cồn hạn chế máu đến cơ bắp, theo thời gian sẽ khiến bạn bị tiêu giảm cơ bắp và yếu hơn.
Ngoài ra, rượu làm đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi; hủy hoại nhân cách, tha hóa đạo đức, sa sút tâm thần, giảm khả năng làm việc, là gánh nặng cho gia đình và xã hội;…Gây tai nạn giao thông: Thường thấy là mất khả năng kiềm chế, mất khả năng kiểm soát hoạt động cơ thể, đi đứng xiêu vẹo,... Đây là lý do không làm chủ tay lái, phóng xe nhanh, chạy ẩu gây tai nạn cho chính người uống rượu và cho người khác.
Chén rượu, cốc bia mừng xuân mới. Để bảo đảm sức khỏe trong dịp Tết cổ truyền Tân Sửu 2021 và các ngày lễ hội đầu Xuân, người dân nên thực hiện khuyến cáo:
- Tuân thủ thực hiện tốt các quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.
- Hãy hạn chế uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. Người dân có ý thức sử dụng sao cho vừa đủ vui, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng, để không xảy ra những tai họa, những điều bất hạnh cho chính gia đình mình và xã hội.
- Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, phụ nữ đang mang thai, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.
- Không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương,…Tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia.
- Chỉ uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.
Nguồn: Phạm Tiến Dũng - soyt.langson.gov.vn