I-ốt là một vi chất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể, cần cho sự tổng hợp hóc môn tuyến giáp, phát triển xương, phát triển của não bộ và hệ thần kinh trong thời kỳ bào thai. Thiếu hụt i-ốt xảy ra trong bất kỳ giai đoạn nào và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của mỗi con người, đặc biệt là ở phụ nữ và trẻ em. Phụ nữ mang thai không được cung cấp đủ iốt sẽ làm tăng nguy cơ tai biến sản khoa, dễ gây sảy thai, thai chết lưu, sinh non. Đứa trẻ sinh ra có nguy cơ bị suy tuyến giáp bẩm sinh, chậm phát triển trí tuệ. Người lớn và trẻ em thiếu iốt dễ bị bướu cổ, thường xuyên mệt mỏi, giảm tư duy sáng tạo, giảm khả năng học tập, năng suất lao động kém.
Phòng ngừa thiếu hụt iốt
Nhu cầu I-ốt hàng ngày của một người bình thường là từ 150 đến 200 mcg iốt, còn ở phụ nữ mang thai hoặc cho con bú cần thêm 30 đến 50 mcg. Cơ thể con người không tự tổng hợp được iốt mà hoàn toàn phải cung cấp từ bên ngoài, chủ yếu từ lương thực, thực phẩm, một phần qua không khí và việc bổ sung iốt phải thường xuyên, liên tục chứ không phải chỉ trong một lần, một lúc, một giai đoạn.
Do lượng iốt ngày càng nghèo đi từ các nguồn cung cấp tự nhiên mà nhu cầu lại cần thường xuyên và liên tục, cho nên vấn đề sử dụng muối iốt và các chế phẩm có iốt (đủ tiêu chuẩn phòng bệnh) là nguồn bổ sung iốt cần thiết.
Vì vậy để phòng ngừa các rối loạn do thiếu iốt, người dân nên sử dụng muối iốt thay cho muối thường trong ăn uống và chế biến thức ăn hàng ngày. Phải bổ sung iốt liên tục mới đảm bảo đủ nhu cầu iốt, không nên dùng một thời gian rồi dừng.
Nhu cầu I-ốt của trẻ/ngày là: Trẻ từ 0-6 tháng tuổi cần 40mcg/ ngày, với trẻ bú mẹ hoàn toàn thì mẹ nên ăn nhiều hải sản và dùng muối I-ốt hoặc nước mắm có I-ốt để nguồn dưỡng chất quan trọng này tiết qua sữa bổ sung cho bé. Với trẻ đã ăn dặm (6-12 tháng) cần 50mcg, có thể bổ sung iốt qua ăn uống hàng ngày.
Trẻ từ 1-3 tuổi cần 70mcg; trẻ từ 4-9 tuổi cần 120mcg; trẻ từ 10-12 tuổi cần 140mcg; từ 14 tuổi đến khi trưởng thành là 150mcg. Trứng và các thực phẩm từ sữa là một nguồn cung cấp iốt khá tốt. Ngoài ra, iốt cũng có nhiều trong hải sản như cá, tôm, cua và có nhiều trong các loại rau xanh...
Sử dụng muối iốt thay cho muối thường trong ăn uống và chế biến thức ăn hàng ngày là đủ nhu cầu iốt cho cơ thể và phòng ngừa được các rối loạn do thiếu iốt.
Hướng dẫn sử dụng và bảo quản muối I ốt cho cộng đồng gồm:
- Sử dụng muối iốt như muối thường. Dùng muối iốt để nấu ăn, chấm hoa quả, chấm thịt... ướp cá, ướp các loại thực phẩm, dùng muối iốt để muối dưa, cà và chế biến các loại thức ăn khác rất tốt.
- Khi nấu ăn, có thể cho muối iốt vào trước, trong, sau khi nấu đều được vì hàm lượng iốt trộn vào muối đã được tính toán đảm bảo lượng iốt mất đi trong quá trình bảo quản, lưu thông và khi chế biến hoặc nấu nướng vẫn cung cấp đủ iốt cho cơ thể con người.
- Bảo quản muối iốt trong hộp hay lọ kín, để ở nơi khô ráo, mát không bị ánh nắng chiếu vào muối (tránh để muối quá gần bếp lửa).
Toàn dân sử dụng muối I ốt trong chế biến bữa ăn hàng ngày:
Sử dụng muối I ốt là biện pháp hữu hiệu nhất phòng chống thiếu I ốt, khuyến khích người dân sử dụng muối I ốt, lồng ghép nội dung giáo dục sử dụng muối I ốt và phòng chống thiếu I ốt vào các chương trình giáo dục dinh dưỡng đang triển khai tại xã/phường.
Phòng DS-TT&GDSK tổng hợp thông tin