HOTLINE

Vì sao người thừa cân béo phì nhưng lại suy dinh dưỡng?

Nhiều trẻ bị thừa cân béo phì nhưng vẫn bị suy dinh dưỡng, nguyên nhân là do cha mẹ áp dụng cho con một chế độ ăn không cân đối, ăn quá nhiều chất đạm, tinh bột và chất béo…

 
 
Nhiều trẻ thừa cân béo phì nhưng vẫn suy dinh dưỡng - Ảnh minh họa: REUTERS

Nhiều trẻ thừa cân béo phì nhưng vẫn suy dinh dưỡng - Ảnh minh họa: REUTERS

Nguyên nhân gây thừa cân béo phì

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lâm, nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho hay trong 10 năm qua tỉ lệ thừa cân béo phì của người Việt Nam tăng gần như gấp đôi, đặc biệt lứa tuổi trẻ em từ 5-19 tuổi. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của WHO thì tỉ lệ thừa cân béo phì ở Việt Nam vẫn nằm trong vùng xanh, là 1 trong 10 nước có tỉ lệ thừa cân béo phì thấp ở khu vực Đông Nam Á.

Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới về thừa cân béo phì cũng như tài liệu chuyên môn hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì của Bộ Y tế nêu rõ thừa cân, béo phì bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đều đến từ sự mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao.

Các nguyên nhân hàng đầu bao gồm chế độ dinh dưỡng không hợp lý, bao gồm cả việc tiêu thụ nhiều chất béo, chất đạm, nhiều muối và không đủ chất xơ; thiếu hoạt động thể chất, lười vận động.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra mối tương quan giữa thừa cân béo phì với thời gian tĩnh tại, tuổi tác, trình độ học vấn, môi trường sinh sống làm việc, thời gian ngủ,...

"Các thực phẩm có chứa đường và đồ ngọt nói chung cung cấp khoảng 3,6% tổng năng lượng đưa vào cơ thể từ thức ăn và đồ uống. Trong khi đó nguồn năng lượng chiếm nhiều nhất là ngũ cốc (51,4%), thịt (15,5%), các thực phẩm khác (22%).

Khẩu phần ăn dư thừa protein, đặc biệt là protein động vật có thể dẫn đến một số bệnh như gút, rối loạn mỡ máu, thừa cân béo phì.

 

Ngoài ra, cũng cần lưu ý trường hợp trẻ em thừa cân béo phì nhưng vẫn bị suy dinh dưỡng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, phổ biến là sự mất cân đối trong chế độ dinh dưỡng.

Điều này khiến cơ thể trẻ thừa năng lượng, tăng cân nhưng chủ yếu tăng mỡ, thiếu cơ, thiếu máu, thiếu hụt dưỡng chất thiết yếu, còi xương, dẫn đến suy dinh dưỡng thể ẩn. Nhóm trẻ này thường rất ít vận động", bà Lâm nêu rõ.

Chú ý chế độ dinh dưỡng

Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng quốc gia, trẻ em có thói quen tiêu dùng nhiều loại sản phẩm có đường như bánh, kẹo, sữa, đồ uống từ ngũ cốc và rất nhiều các loại đồ uống từ đường phố như các loại trà sữa, cà phê, nước trái cây có thêm đường.

Vì vậy các chuyên gia cho rằng để kiểm soát vấn đề thừa cân, béo phì cần kết hợp nhiều giải pháp như giáo dục dinh dưỡng học đường và tăng cường vận động thể chất. Quản lý việc thực hiện dán nhãn dinh dưỡng một cách chặt chẽ. Các loại thực phẩm đều phải có nhãn dinh dưỡng với các nội dung theo quy định mới được lưu hành trên thị trường.

Đồng thời cần có cơ chế quản lý chặt chẽ và giới hạn các loại thực phẩm, đồ uống đường phố đang không đảm bảo về dinh dưỡng và vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Bác sĩ Hưng cũng cho rằng hiện nay nhiều người không ăn tinh bột, nhưng lại ăn quá nhiều thịt, chất béo, trái cây, các loại hạt, đây cũng là nguyên nhân góp phần dẫn đến thừa cân béo phì.

"Mỗi người cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung các nhóm chất đầy đủ mới có thể đảm bảo sức khỏe lâu dài", bác sĩ Hưng khuyến cáo.

Nguồn: tuoitre.vn

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi