1. Sinh non là gì? Sinh non là sinh trước 37 tuần tuổi thai. Sinh non là nguyên nhân mắc bệnh, tử vong hàng đầu ờ trẻ sơ sinh.
2. Hậu quả của trẻ sinh non
- Trên thế giới, mỗi năm có khoảng 15 triệu trẻ sinh non (cứ 10 trẻ ra đời thì có 1 trẻ sinh non) và sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh. Hàng năm ở nước ta có khoảng hơn 100.000 trẻ sinh thiếu tháng và đang là gánh nặng về bệnh tật, tử vong ở trẻ em. Vì vậy dự phòng giảm nguy cơ sinh non thực sự cần thiết và cần được ưu tiên trong các chiến lược về chăm sóc sức khoẻ con người. Tại Việt Nam, theo số liệu báo cáo: tỷ lệ trẻ đẻ non/ nhẹ cân chiếm 19% trong mô hình bệnh tật của trẻ sơ sinh; nguyên nhân gây nên tử vong trẻ sơ sinh chủ yếu do đẻ non/ nhẹ cân, ngạt, chấn thương trong khi đẻ, dị tật và các bệnh nhiễm khuẩn, trong đó nguyên nhân gây tử vong do đẻ non/ nhẹ cân chiếm tới 25%.
Nguồn: Bệnh viện Phụ sản Trung ương; Hội Sản phụ khoa Việt Nam; Tổ chức Y tế thế giới
- Trẻ sinh non phải đối mặt với nhiều rủi ro sức khoẻ nghiêm trọng và hậu quả lâu dài. Trước hết, do hệ hô hấp của trẻ chưa phát triển đầy đủ nên trẻ có thể bị suy hô hấp cấp và viêm phổi, hệ miễn dịch còn yếu dễ dẫn đến các bệnh lý nhiễm trùng, làm tăng nguy cơ tử vong và các biến chứng nghiêm trọng. Các vấn đề về tim mạch và thần kinh cũng thường gặp ở trẻ sinh non, khiến trẻ mắc các bệnh lý nghiêm trọng, thậm chí là bại não. Hậu quả lâu dài của trẻ sinh non có thể là chậm phát triển thể chất và trí não, giảm khả năng học tập và làm việc sau này.
3. Nguyên nhân sinh non
Sinh non có thể được gây ra bởi nhiều yếu tố khác nhau. Một trong những nguyên nhân chính là tiền sử sinh non, khi phụ nữ đã từng sinh non sẽ có nguy cơ cao tái phát trong các lần mang thai tiếp theo. Các bệnh lý thai kỳ có thể gây sanh non: tiền sản giật, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, đa thai, đái tháo đường thai kỳ, nhiễm trùng tử cung,… lối sống không lành mạnh của mẹ như hút thuốc, rượu bia, sử dụng chất kích thích,… tuổi tác của mẹ (<18 tuổi hay >35 tuổi) hay khoảng cách gần giữa các lần sinh (dưới 18 tháng).
Các nguy cơ có thể gây sanh non: sử dụng rượu bia, chất kích thích hoặc đa thai,…
4. Biện pháp dự phòng sinh non
Các biện pháp dự phòng sinh non không ngăn ngừa hoàn toàn tình trạng sinh non nhưng giúp làm giảm tỉ lệ trẻ sinh ra non tháng.
- Mẹ khám thai định kỳ, đúng lịch để giảm thiểu sinh non: khám thai định kỳ giúp phát hiện nguy cơ sanh non và có can thiệp phù hợp để giảm tình trạng sinh non ở trẻ: thai phụ được sàng lọc bằng cách khai thác tiền sử sanh non ở lần khám thai đầu, siêu âm đo chiều dài kênh cổ tử cung ở quý 2. Khi chiều dài kênh cổ tử cung ngắn hoặc tiền sử sanh non lần trước, thai phụ sẽ được tư vấn các biện pháp dự phòng sanh non như khâu vòng cổ tử cung, đặt vòng nâng cổ tử cung, dùng thuốc đặt giảm gò. Nếu vào chuyển dạ sanh non, sản phụ được tư vấn nhập viện để có những biện pháp can thiệp sâu: hỗ trợ trưởng thành phổi thai nhi, bảo vệ não thai nhi nhằm giảm các sang chấn lên thai nhi và tăng khả năng sống ở trẻ sanh non.
5. Các phương pháp chăm sóc trẻ sinh non: Phương pháp Kangaroo (tiếp xúc da kề da giúp trẻ sinh non phát triển tốt hơn).
- Khái niệm: Chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo (Kangaroo Mother Care) là một phương pháp y học thích ứng được lựa chọn để chăm sóc trẻ đẻ non/ nhẹ cân bằng cách đặt trẻ nằm tiếp xúc da kề da trên ngực mẹ hoặc người chăm sóc trẻ.
Kết luận: Giảm thiểu nguy cơ sanh non không chỉ giúp trẻ có cuộc sống khỏe mạnh mà còn giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Một số biện pháp dự phòng sanh non bao gồm chăm sóc tiền sản, khám thai định kỳ, theo dõi và điều trị các nguy cơ sớm. Sinh non là một thách thức lớn nhưng có thể được kiểm soát tốt hơn nếu cộng đồng cùng chung tay nâng cao nhận thức và các biện pháp dự phòng hiệu quả.
BS. Ngô Thu Phương - Khoa CSSKSS
Tài liệu tham khảo:
1. Công văn số 5021/BYT-BMTE
2. Word Health Organization (WHO)
3. Tài liệu của Sở Y Tế TP. Hồ Chí Minh – Trung tâm kiểm soát bệnh tật
4. Trung tâm sơ sinh – Bệnh viện Nhi Trung ương