HOTLINE

PHƯỜNG 1 HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS (01/12/2024)

Sáng ngày 29/11/2024, Ủy ban nhân dân Phường 1 tổ chức truyền thông về lợi ích của điều trị HIV sớm bằng thuốc ARV và lồng ghép truyền thông phòng, chống đái tháo đường với sự tham dự của 50 người dân trên địa bàn.

Hưởng ứng các hoạt động nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS  (01/12/2024) với chủ đề “công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS – hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030!”, tại buổi truyền thông, Bác sĩ Thạch Thị Út Huyền – Trạm Y tế Phường 1nhấn mạnh về Lợi ích của điều trị bằng thuốc ARV đối với người nhiễm HIV/AIDS: ARV là loại thuốc kháng vi-rút nhằm làm giảm sự sinh sôi của HIV trong cơ thể. Thuốc ARV được Việt Nam áp dụng rộng rãi từ năm 2004, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng trong điều trị HIV/AIDS từ những năm 90, được đánh giá là giải pháp hiệu quả trong việc bảo vệ sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS và giảm sự lây lan trong cộng đồng. 

Bác sĩ Huyền nhấn mạnh điều trị ARV sớm có thể làm giảm 41% mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và do đó có thể giảm nguy cơ tử vong; giảm 96% nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và giảm tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%; giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và ngành y tế trong hoạt động điều trị và dự phòng. Khi người nhiễm HIV/ AIDS được điều trị bằng ARV có thể phục hồi sức khỏe, tiếp tục sống, học tập và lao động, không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Đồng thời, báo cáo viên lưu ý việc điều trị bằng thuốc ARV là miễn phí và chủ yếu từ nguồn thuốc viện trợ. Tuy nhiên trong thời gian tới, khi không còn viện trợ thì bảo hiểm y tế sẽ là giải pháp chủ yếu đảm bảo sự bền vững cho người nhiễm HIV/AIDS được điều trị.

Bác sĩ Huyền truyền thông về lợi ích của điều trị HIV sớm bằng thuốc ARV

Người tham dự  tìm hiểu thông tin về lợi ích của điều trị sớm HIV bằng thuốc ARV

Lồng ghép tại buổi truyền thông, Bác sĩ Thạch Thị Út Huyền trình bày về các yếu tố nguy cơ dẫn tới bệnh Đái tháo đường tuýp 2 và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh bao gồm: Người từ 45 tuổi trở lên; Chế độ ăn không lành mạnh, nhiều thực phẩm chế biến sẵn hoặc chứa đường cao; Ít vận động thể lực (dưới 30 phút/ngày, dưới 5 ngày/tuần); Thừa cân, béo phì, béo bụng; Hút thuốc lá hoặc sử dụng thuốc lào; Người mắc các bệnh như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu hoặc tiền đái tháo đường; Có tiền sử gia đình (bố, mẹ, anh, chị em ruột) mắc đái tháo đường type 2; Phụ nữ bị buồng trứng đa nang hoặc từng mắc đái tháo đường thai kỳ. Báo cáo viên lưu ý, để phát hiện sớm và phòng ngừa hiệu quả thì những người thuộc nhóm nguy cơ trên cần thực hiện khám sức khỏe định kỳ và xét nghiệm máu ít nhất một lần mỗi năm để phát hiện bệnh sớm. Đồng thời, cần duy trì lối sống lành mạnh, bao gồm: Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia; Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý; Tăng cường vận động thể lực...  

Bác sĩ Thạch Thị Út Huyền truyền thông về bệnh Đái tháo đường

Người tham dự đặt câu hỏi tại buổi truyền thông

Kết thúc buổi truyền thông, người tham dự có thêm những kiến thức quan trọng về lợi ích của điều trị bằng thuốc ARV đối với người nhiễm HIV/AIDS. Tiếp tục các hoạt động hưởng ứng tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2024, trong thời gian tới Trạm Y tế tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân phường phối hợp các ban ngành đoàn thể tăng cường các hoạt động truyền thông, tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng góp phần tăng sự tiếp cận của người nguy cơ nhiếm HIV được điều trị sớm, hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030./.

Tin, ảnh: Phòng DS-TT&GDSK – Trạm  Y tế phường 1

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi