HOTLINE

PHƯỜNG 1 TỔ CHỨC TRUYỀN THÔNG HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ AN TOÀN THỰC PHẨM NĂM 2025 VÀ PHÒNG, CHỐNG BỆNH TAY CHÂN MIỆNG

Sáng ngày 26/4/2025, Trạm Y tế tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND)  Phường 1 tổ chức truyền thông về vệ sinh an toàn thực phẩm với chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố” kết hợp truyền thông phòng, chống bệnh tay chân miệng tại hội trường UBND Phường. Tham dự Hội nghị, có bà Phan Thị Thanh Vân - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Phường 1, Bà Vũ Hoàng Dung - Phó Trưởng trạm Y tế, Thạc sĩ Lê Thị Hồng Lý - Phó Trưởng khoa Y tế công cộng - An toàn thực phẩm/Trung tâm y tế quận Tân Bình cùng đại diện các Ban ngành đoàn thể, các khu phố trưởng và đại diện các hộ dân kinh doanh chế biến thực phẩm, các hộ kinh doanh thức ăn đường phố và người dân trên địa bàn phường với hơn 45 người tham dự.

 Tại Hội nghị, Thạc sĩ Lê Thị Hồng Lý đã triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025 theo chỉ đạo Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm Thành phố với chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”. Nhằm nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn trong việc triển khai hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm. Đồng thời, Báo cáo viên trình bày các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, tuyên truyền đến người tiêu dùng cách lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn, nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng và các biện pháp phòng ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng, hướng dẫn lựa chọn, bảo quản thực phẩm và cách phòng chống ngộ độc thực phẩm.

Thạc sĩ Lê Thị Hồng Lý báo cáo tại Hội nghị

Đồng thời, Thạc sĩ Hồng Lý nhấn mạnh ngộ độc thực phẩm là bệnh do ăn thực phẩm bị ô nhiễm. Các nguyên nhân gây ra bệnh do thực phẩm bao gồm: vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng hoặc độc tố của chúng. Do vậy, việc biết cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm là một kỹ năng quan trọng mà mọi người nên nắm vững như: Ăn chín, uống sôi; hạn chế ăn đồ sống hoặc tái. Không ăn thức ăn ôi thiu, đã hết hạn sử dụng, vật dụng chế biến riêng thức ăn chín và sống nếu dùng chung phải rửa sạch sau mỗi lần chế biến thức ăn sống. Thức ăn khi không để tủ lạnh cần che đậy cẩn thận để tránh bụi, ruồi muỗi. Bảo quản thức ăn trong tủ lạnh, đun nóng thức ăn thừa ở nhiệt độ hơn 70 độ C trước khi ăn, không nên để quá 2 giờ ở nhiệt độ thường. Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.... Giữ bếp và các vật dụng làm bếp sạch sẽ.

Các đại biểu tham dự tìm hiểu về kiến thức An toàn thực phẩm

Bên cạnh đó, tiếp theo buổi truyền thông do tình hình bệnh tay chân miệng ở trẻ em nhất là trẻ dưới 5 tuổi đang có chiều hướng gia tăng tại các trường học và cộng đồng, bác sĩ Thạch Thị Út Huyền - Trạm Y tế Phường 1 trình bày về các biện pháp phòng chống bệnh Tay chân miệng. Bác sĩ Huyền nhấn mạnh các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng, đó là cần thực hiện rửa tay thường xuyên với xà phòng, nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, thay tã cho trẻ; vệ sinh đồ chơi, vật dụng, bề mặt tiếp xúc hằng ngày; tránh tiếp xúc gần (ôm, hôn, dùng chung đồ dùng) với người nhiễm bệnh; cách ly trẻ mắc bệnh, không cho trẻ đến trường đến khi khỏi hẳn; theo dõi sát các triệu chứng như sốt cao, li bì, mất tỉnh táo, và đưa trẻ đi khám kịp thời; vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, xử lý rác thải đúng quy định.

Bác sĩ Thạch Thị Út Huyền truyền thông tại Hội nghị

Đại biểu tham dự thảo luận tại Hội nghị

Buổi truyền thông giúp người tham dự cập nhập các kiến thức về An toàn thực phẩm. Việc lựa chọn, bảo quản thực phẩm và cách phòng chống ngộ độc thực phẩm cũng như chấp hành tốt các quy định trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống giúp các chủ cơ sơ kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố áp dụng vào thực tiễn hàng ngày trong buôn bán, chế biến, sản xuất thực phẩm. Đồng thời, buổi truyền thông giúp các đại biểu tham dự cập nhập kiến thức cơ bản về các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng góp phần giúp người dân chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. /.

Tin, ảnh:  Phòng DS-TT&GDSK - TYT P.1

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi