HOTLINE

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC AN TOÀN THỰC PHẨM CHO CÁC CƠ SỞ THỨC ĂN ĐƯỜNG PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN PHƯỜNG 4

Theo Luật An toàn thực phẩm: “Thức ăn đường phố là thực phẩm được chế biến dùng để ăn, uống ngay, trong thực tế được thực hiện thông qua hình thức bán rong, bày bán trên đường phố, nơi công cộng hoặc những nơi tương tự”.

Kinh doanh thức ăn đường phố là một nhu cầu tất yêu của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và sự phát triển của kinh tế thị trường hiện nay. Không thể phủ nhận vai trò của thức ăn đường phố vì tính tiện ích, giá thành hợp lý và sự đa dạng về thực phẩm. Tuy nhiên, thức ăn đường phố cũng tiểm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn bởi thường được bày bán ở vỉa hè, lòng đường, không có địa điểm cố định và không có đủ nước sạch để chế biến,…

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, kinh doanh thức ăn đường phố cần đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:

1. Điều kiện về trang thiết bị dụng cụ, nguồn gốc thức phẩm.

- Trường hợp bố trí kinh doanh ở khu vực công cộng (bến xe, bến tàu, nhà ga, khu lễ hội, triển lãm), vỉa hè đường phố thì nơi bày bán thực phẩm phải đảm bảo cách biệt các nguồn ô nhiễm; bảo đảm sạch sẽ, không gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh.

- Trường hợp kinh doanh trên các phương tiện để bán rong phải có thiết kế khoang chứa đựng, bảo quản thức ăn ngay, đồ uống bảo đảm vệ sinh, phải chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng gây hại.

- Phải đảm bảo đủ nước sạch và nước chế biến, pha chế đồ uống đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN số 01:2009/BYT; nước để sơ chế nguyên liệu, vệ sinh dụng cụ, rửa tay phải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN số 02:2009.

- Có đủ trang bị, dụng cụ để chế biến, bảo quản, bày bán riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn ngay. Thức ăn ngay, đồ uống phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh.

- Nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói sẵn phải có xuất xứ, ngồn gốc rõ ràng.

- Sử dụng thùng rác có nắp đậy, rác phải được chuyển đến nơi thu gom trong ngày.

2. Điều kiện đối với người kinh doanh thức ăn đường phố.

- Người bán hàng phải mang trang phục sạch sẽ, gọn gàng, đeo khẩu trang; khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn ngay phải sử dụng găng tay.

- Người kinh doanh thức ăn đường phố phải được tập huấn kiến thức về ATTP, khám sức khỏe và được cấp giấy khám sức khỏe theo quy định và không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp. 

Với tình hình đó, trong tháng 03/2023, Trạm y tế phường 4 đã phối hợp với Ủy ban nhân dân phường tiến hành kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên tuyến đường Thăng Long - Phan Thúc Duyện thuộc địa bàn phường để kịp thời hướng dẫn và nhắc nhở các cơ sở thực hiện đúng theo quy định an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố. Kết quả đã kiểm tra được 07 cơ sở, nhắc nhở các cơ sở khắc phục các tiêu chí không đạt theo quy định. Trong thời gian tới, đoàn kiểm tra liên ngành của phường sẽ tiếp tục thực hiện giám sát kiểm tra thức ăn đường phố tại các tuyến đường khác trên địa bàn phường 4.

Đoàn kiểm tra liên ngành đang kiểm tra thức ăn đường phố trên tuyến đường Thăng Long

Chủ quán đang thực hiện ký cam kết đảm báo an toàn thực phẩmđối với kinh doanh thức ăn đường phố.

 

BS. Lê Hoàng Dân – TYT Phường 4

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi