HOTLINE

Tăng cường công tác phòng, chống trước tình hình dịch COVID-19 gia tăng

Theo thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay. Trong khi đó các dịch bệnh truyền nhiễm khác như tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm, ... cũng có nguy cơ gia tăng số mắc dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch.

Trước tình hình trên, ngày 12/4/2023, Bộ Y tế đã có công văn khẩn đề nghị các địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo văn bản hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Y tế.

Thúc đẩy tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đạt mục tiêu đề ra; huy động sự tham gia của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể để triển khai quyết liệt việc rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19, nhất là với các nhóm có nguy cơ cao.

Đồng thời, chủ động công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh. Tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục, giám sát tại các cửa khẩu, các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Y tế để chủ động phát hiện sớm các biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2.

Các địa phương cần tiếp tục tổ chức đánh giá cấp độ dịch theo các văn bản hướng dẫn để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo cấp độ dịch.

Song song đó, cần chỉ đạo tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong và thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị; chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân và chủ động nâng cao năng lực điều trị. Tiếp tục đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc-xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Bộ Y tế cũng đề nghị tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân. Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người. Nhất là tập trung thông tin về lợi ích, tác dụng của vắc-xin; bám sát xu hướng tâm lý của người dân, xã hội, nâng cao sự tin tưởng của cộng đồng và vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Trong 7 ngày vừa qua (từ 05/4 đến 11/4/2023), cả nước đã ghi nhận 639 ca mắc mới, tăng 3,8 lần so với 7 ngày trước đó; trong đó nhóm từ 50 tuổi trở lên ghi nhận 193 ca (chiếm 30,2% số mắc mới). Số ca nhập viện cũng có xu hướng gia tăng; số bệnh nhân nặng ghi nhận trong tuần là 10 ca. Tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra.

Hiện Tổ chức Y tế Thế giới vẫn đánh giá dịch COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Mặc dù trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ nhập viện, chuyển nặng và tử vong đã giảm đáng kể so với một năm trước đây, tuy nhiên một số nhóm vẫn có nguy cơ cao chuyển nặng hoặc tử vong khi mắc bệnh, bao gồm nhóm người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai, do đó cần tập trung ưu tiên bảo vệ các nhóm đối tượng này.

 

Cụ thể công văn: Xem tại đây!

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi