HOTLINE

Tăng cường kiểm dịch y tế, năng lực xác định với bệnh Mác-bớc

Theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ cuối tháng 9/2024 Ru-an-đa (Rwanda) đã lần đầu tiên ghi nhận trường hợp bệnh Mác-bớc (Marburg) tại nước này. Đến 10/10/2024, đã ghi nhận tổng số 58 trường hợp mắc, trong đó có 13 trường hợp tử vong tại 07 trong số 30 quận của nước này, khoảng 70% trường hợp bệnh là nhân viên y tế. Bệnh Mác-bớc là bệnh đặc biệt nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao (50% có thể lên tới 88%). Đến nay, bệnh chưa có vắc xin, thuốc điều trị đặc hiệu, hiện bệnh được phân loại thuộc nhóm A trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm của nước ta. Một số quốc gia như: Hòa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc đã tăng cường các biện pháp y tế tại cửa khẩu nhằm kiểm soát dịch bệnh Mác-bớc xâm nhập.

Để chủ động giám sát, phát hiện, kiểm soát dịch bệnh Mác-bớc xâm nhập vào nước ta, ngày 11/10/2024, Cục Y tế dự phòng có vản bản khẩn số 1006/DP-DT gửi Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur; Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế các tỉnh, thành phố; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố có hoạt động kkiểm dịch y tế đề nghị tập trung triển khai các nội dung sau:

1. Các Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế:

- Cập nhật thông tin về các quốc gia/vùng lãnh thổ đang ghi nhận trường hợp bệnh Mác-bớc để tăng cường, chủ động giám sát chặt chẽ các đối tượng phải kiểm dịch y tế từ các khu vực này nhập cảnh, quá cảnh, nhập khẩu qua các cửa khẩu tại nước ta.

- Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với cán bộ, nhân viên và người tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh, không để lây nhiễm cho nhân viên y tế, lây lan ra cộng đồng.

-  Chuẩn bị sẵn sàng phòng, khu vực cách ly tạm thời sử dụng cho các trường hợp nghi ngờ,mắc bệnh ở cửa khẩu (nếu cần); các trang thiết bị, hóa chất, thuốc đảm bảo có thể sử dụng ngay khi có dịch.

- Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác kiểm dịch y tế về giám sát, kiểm soát bệnh Mác-bớc. Đặc biệt lưu ý về công tác phòng, chống nhiễm khuẩn.

- Tiếp tục tổ chức truyền thông tại cửa khẩu cho hành khách, người dân về các biện pháp phòng chống, đặc biệt cần thông báo ngay cho cơ sở y tế khi họ phát hiện các triệu chứng và yếu tố dịch tễ liên quan đến bệnh Mác-bớc trong vòng 21 ngày kể từ ngày họ nhập cảnh Việt Nam.

- Rà soát, cập nhật kế hoạch dự phòng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh Mác-bớc tại từng cửa khẩu với sự tham gia, phối hợp của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu, cơ quan y tế tại địa phương, trong đó lưu ý về nhân viên y tế đi cùng, phương tiện vận chuyển người nghi ngờ, mắc bệnh và cơ sở y tế có thể tiếp nhận chăm sóc, điều trị.

2. Các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur:

- Hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ địa phương về giám sát và các biện pháp phòng chống, lấy mẫu, vận chuyển mẫu bệnh phẩm an toàn; tiếp nhận mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán xác định bệnh Mác-bớc từ các địa phương.

- Tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm, chẩn đoán xác định bệnh Mác-bớc.

- Rà soát, củng cố đội phản ứng nhanh tại đơn vị, sẵn sàng đáp ứng khi ghi nhận trường hợp nghi ngờ, mắc tại các địa phương (nếu có).

Nguồn: vncdc

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi