HOTLINE

TRUYỀN THÔNG VỀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI TẠI PHƯỜNG 7

Ngày 02 tháng 06 năm 2023, Ủy ban nhân dân, Hội Người cao tuổi và Trạm Y tế (TYT) Phường 7 đã thực hiện buổi truyền thông về phòng chống đột quỵ cho gần 70 người cao tuổi và đại diện các ban ngành đoàn thể trên địa bàn. 

Báo cáo viên - Bác sĩ Điêu Minh Nhật – Phó Trưởng Trạm Y tế phường 7

Tại hội nghị, BS. Nhật đã hướng dẫn các dấu hiệu cảnh báo sắp đột quỵ và cách sơ cứu khi gặp phải. Theo đó, Đột quỵ hay Tai biến mạch máu não là một bệnh lý gây tổn thương nghiêm trọng cho não bộ. Nguyên nhân xuất phát từ sự gián đoạn việc vận chuyển máu nuôi dưỡng não bộ do mạch máu bị tắc nghẽn hay bị vỡ.

Có 2 loại đột quỵ: Đột quỵ nhồi máu não hay còn gọi là thiếu máu não cục bộ là tình trạng động mạch não bị thuyên tắc một phần hoặc hoàn toàn dẫn tới việc lưu lượng máu cung cấp tới não bị giảm đột ngột. Tình trạng này chiếm đại đa số, khoảng 85% ca đột quỵ; Đột quỵ xuất huyết não hay còn gọi là xuất huyết nội sọ, là một trường hợp hiếm gặp hơn của đột quỵ (khoảng 15%). Tình trạng này xảy ra khi mạch máu não bị vỡ đột ngột làm máu tràn vào nhu mô não gây tổn thương não. 

Các dấu hiệu để nhận biết người bị đột quỵ:

- Mất thăng bằng, hoa mắt chóng mặt, cử động khó khăn, không thể phối hợp các động tác vận động.

- Đau đầu dữ dội, cơn đau đến rất nhanh, có thể kèm theo buồn nôn hoặc nôn.

- Tầm nhìn bị giảm đột ngột, mất thị lực một phần hoặc hoàn toàn.

- Yếu liệt một bên cơ thể hoặc không thể cử động một bên chân tay. Cách nhận biết chính xác nhất là bạn không thể nhấc 2 tay lên cùng 1 lúc.

- Đột nhiên cảm thấy mất sức, cơ thể mệt mỏi.

- Tê cứng mặt hoặc một nửa mặt, nụ cười bị méo mó, nhân trung bị lệch.

- Mất khả năng nói hoặc nói nhưng khó phát âm, không rõ chữ, bị dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có kiểm tra bằng cách yêu cầu người bị đột quỵ lặp lại một câu ngắn bạn vừa nói.

  Ảnh internet

Cấp cứu đột quỵ: Thời gian là mạng sống

Thời gian vàng cho cấp cứu là từ 3 – 6 tiếng (tốt nhất là trong vòng 3 tiếng):

Đỡ hoặc dìu người đột quỵ, tránh té ngã gây tổn thương.

Để người bệnh ở nơi thoáng mát, nằm nghiêng một bên nếu người bệnh nôn. Móc hết đàm, nhớt để tránh gây ngạt cho bệnh nhân.

Gọi xe đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Không tự ý xoa dầu nóng, cạo gió, dùng kim đâm đầu ngón tay hoặc cho uống bất kỳ loại thuốc nào khác.

Đưa người bệnh vào bệnh viện càng nhanh càng tốt, để có thể cứu sống kịp thời và làm giảm các di chứng do đột quỵ gây ra.

Hội nghị đã trang bị những kiến thức cơ bản về nguyên nhân, cách phòng tránh đột quỵ, đó là những kiến thức quý báu để mỗi người dân tự phòng tránh, đảm bảo sức khoẻ cho bản thân cũng như những người trong gia đình.

Bs. Điêu Minh Nhật – Trạm Y tế phường 7 

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi