HOTLINE

Làm gì để tránh ngộ độc tập thể tại trường học?

Mới đây nhất, ngày 15/11, gần 80 học sinh ở Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi và Lê Văn Tám (TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) phải nhập viện điều trị trong tình trạng nôn ói, tiêu chảy, dấu hiệu ngộ độc thực phẩm sau khi dùng bữa trưa tại trường học. Nhiều em học sinh có biểu hiện nặng, rất may các em đều được bác sĩ cấp cứu kịp thời, sức khỏe dần ổn định.

Sau khi xảy ra sự việc, UBND TP. Rạch Giá đã có quyết định đình chỉ hoạt động của cơ sở Cát Tường. Đây là cơ sở cung cấp thức ăn cho 3 trường tiểu học nói trên. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng đã phối hợp với Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá điều tra và lấy mẫu thức ăn để gửi đến Trung tâm kiểm nghiệm TP. Cần Thơ. Hiện đang chờ kết quả.

Trước đó, ngày 25/10, 28 em học sinh tiểu học lớp 4A1 Trường Tiểu học thị trấn Tiền Hải (phố Tiểu Hoàng, thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) đã bị ngộ độc thực phẩm sau tiệc liên hoan Tết Trung thu ở lớp.

Làm gì để tránh ngộ độc tập thể tại trường học?- Ảnh 1.
 

Ngộ độc thực phẩm là nỗi lo, "ác mộng" của phụ huynh có con em học bán trú. (Ảnh minh họa).

Thực phẩm sử dụng trong bữa liên hoan gồm bánh bông lan trứng muối đặt mua tại cơ sở sản xuất bánh kem Trang Moon (Km số 18, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Trong bữa liên hoan này, có 28 học sinh ăn bánh bông lan trứng muối nói trên, 9 học sinh không ăn không bị ngộ độc thực phẩm.

Kết quả kiểm nghiệm mẫu ánh bông lan trứng muối của cơ sở sản xuất bánh kem Trang Moon bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng.

Làm gì để tránh ngộ độc thực phẩm tại trường học?

Chia sẻ với Báo Sức khỏe và Đời sống, TS.BS. Bùi Thị Mai Hương - Trưởng khoa Vi sinh vật thực phẩm và Sinh học phân tử - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, để tránh ngộ độc thực phẩm tập thể tại các trường học, đầu tiên, nhân viên trường học, nhà bếp hoặc đơn vị cung cấp suất ăn, cần tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt là trong chế biến, sản xuất và kinh doanh thực phẩm trong cả quá trình từ chuẩn bị, tiếp nhận nguyên liệu, sơ chế, nấu, chia suất, vận chuyển và phục vụ bữa ăn.

Các trường học hoặc nhà cung cấp suất ăn phải đảm bảo sử dụng nguyên liệu tươi, an toàn, còn hạn sử dụng trong chế biến. Các món ăn cần được nấu chín và bảo quản ở nhiệt độ phù hợp tránh bị ô nhiễm, tuân thủ chế độ kiểm thực 3 bước. Với các trường có sử dụng dịch vụ cung cấp suất ăn bên ngoài, nhà trường cần có các biện pháp giám sát định kỳ và kiểm tra đột xuất quá trình nấu và vận chuyển suất ăn.

"Thời gian vận chuyển thức ăn từ nơi nấu đến nơi phục vụ bữa ăn cho học sinh không được quá 2 giờ đồng hồ. Trong khoảng thời gian này, thức ăn phải được bảo quản ở nhiệt độ an toàn. Quan trọng hơn, cần loại bỏ tất cả các loại thực phẩm có mùi vị lạ, quá hạn hoặc bảo quản quá thời gian cho phép…", TS.BS. Bùi Thị Mai Hương hướng dẫn.

Trưởng khoa Vi sinh vật thực phẩm và Sinh học phân tử cũng nhấn mạnh, nhà trường, thầy cô giáo, cán bộ y tế trường học đóng vai trò rất quan trọng trong việc giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm cho bếp ăn trường học. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm, hội cha mẹ học sinh và bản thân các học sinh cũng là những nhân tố phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn trường học.

Làm gì để tránh ngộ độc tập thể tại trường học?- Ảnh 2.

Nạn nhân của vụ ngộ độc đang được theo dõi sức khoẻ. Ảnh: Thái Bình.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, qua nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp và trường học, thống kê có đến 70% các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể là do chế biến ở nơi khác, sau đó vận chuyển đến khu công nghiệp hoặc trường học. Sau khi chế biến xong thì phải bảo quản lạnh hoặc bảo quản nóng, chứ nếu để ở nhiệt độ thường 30-40 độ thì rất dễ có vi khuẩn.

Vì vậy, khi chế biến thực phẩm xong, một là tiếp tục bảo quản nóng hoặc tiếp tục được bảo quản lạnh trước khi đưa đến người tiêu dùng sử dụng. Nếu không, trong quá trình vận chuyển, trang thiết bị dụng cụ không đảm bảo, có nơi vận chuyển mấy tiếng mới đưa đến nơi thì nguy cơ ngộ độc cao.

"Các nhà máy, khu công nghiệp, trường học nên cố gắng dành một diện tích đủ tiêu chuẩn để bố trí bếp ăn ngay tại chỗ cho công nhân, học sinh", Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo.

Bộ Y tế đã từng ban hành Công văn số 787/BYT-ATTP đề nghị Bộ Giáo dục Đào tạo và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tập trung triển khai tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể.

Bộ Y tế đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm, biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với từng đối tượng (công nhân, học sinh, sinh viên, cán bộ phụ trách an toàn thực phẩm, nhân viên nhà trường...), chú ý về vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm.

Nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, đặc biệt là Ban quản lý các khu công nghiệp/khu chế xuất, Ban giám hiệu nhà trường, Lãnh đạo các cơ sở y tế để bảo đảm sản xuất, kinh doanh thực phẩm bền vững và có trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng; biểu dương các cơ sở bếp ăn tập thể, cung cấp suất ăn sẵn chấp hành tốt các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm...

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi