HOTLINE

Phòng, tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết

VOV.VN - Dịp lễ, Tết, đặc biệt là Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm của người dân tăng cao. Điều này dẫn đến nguy cơ dễ bị ngộ độc thực phẩm. Do vậy, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết là điều hết sức cần thiết.

Dịp Tết, với tâm lý ăn nhanh, ăn vội để dành nhiều thời gian đi chơi, hầu hết các gia đình có thói quen cất trữ khá nhiều thức ăn trong tủ lạnh trong thời gian dài, trong đó có cả thức ăn chín và thức ăn sống. Các chuyên gia y tế cảnh báo, cách trữ thực phẩm như vậy không an toàn cho người sử dụng và đây là nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện công nghệ sinh học và thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, nguyên nhân đầu tiên của ngộ độc thực phẩm là do thực phẩm nhiễm chất độc hại. Có 2 nhóm chính gây nên tình trạng này, nhóm 1 là do vi khuẩn phát triển trong thực phẩm; nhóm 2 là những độc tố có chất độc mà con người tự đưa vào, vô tình đưa vào hoặc cố ý đưa vào trong thực phẩm.

Theo ông Thịnh, vi sinh vật có thể phát triển trong bất cứ môi trường nào nếu thực phẩm không được bảo quản tốt. Chúng ta phải chế biến làm sao để loại trừ được vi sinh vật ra khỏi nguồn thực phẩm, nên chọn những loại thực phẩm, rau, củ, quả tốt không bị nhiễm bệnh.

phong, tranh nguy co ngo doc thuc pham trong dip tet hinh anh 1

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện công nghệ sinh học và thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội

Quá trình bảo quản chính là quá trình mà vi sinh vật có sẵn trong đó, lúc đầu chỉ có rất ít trong thực phẩm, sau đó chúng phát triển mạnh và nhanh, gây ra những độc tố trong thực phẩm.

“Có 2 cách bảo quản, cách thứ nhất, đưa nhanh vào chế biến và khử trùng sau đó chế biến. Thực phẩm đã nấu chín, đặc biệt là những loại thực phẩm giàu protein như cá, thịt, trứng, sữa thì cần được bảo quản trong tủ lạnh sau khi đã khử trùng, tránh tái nhiễm. Các loại thực phẩm không thể khử trùng tuyệt đối được, vẫn còn một lượng vi sinh vật nhất định sống trong đó, nếu không được bảo quản tốt thì nó sẽ phát triển như bình thường”, ông Nguyễn Duy Thịnh cho biết.

Ông Thịnh cũng lưu ý, một trong những cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm là khi chế biến thực phẩm cần đặc biệt chú ý đến việc lựa chọn nguyên liệu, nên chọn những loại thực phẩm tươi, ngon, có nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, không nên mua những thực phẩm gần hoặc đã hết hạn sử dụng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Sau khi mua thực phẩm về, cần phân loại thực phẩm, bảo quản riêng thực phẩm sống và thực phẩm chín.

Ngoài ra, những loại thịt tươi sống nên bỏ vào ngăn đá để bảo quản sớm nếu chưa sử dụng đến. Không nên chế biến quá nhiều thực phẩm, chỉ chế biến vừa đủ để ăn trong ngày; Thực phẩm ăn không hết, trước khi bỏ vào tủ lạnh cần bọc lại bằng màng bọc, để riêng, tránh bị nhiễm khuẩn. Không nên ăn những thức ăn dư và bảo quản quá lâu trong tủ lạnh.

Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng, tránh ngộ độc thực phẩm, nên chọn những loại thực phẩm tươi, ngon, có nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia Mr Hưng cho hay, dù là ngày thường hay ngày Tết thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn có thể xảy ra, nếu chúng ta không thận trọng. Để hạn chế tối đa nguy cơ này thì nên lựa chọn các thực phẩm an toàn và có nguồn gốc rõ ràng, thực phẩm cần tươi, sạch.

“Phải sử dụng nguồn nước sạch trong sơ chế, chế biến thực phẩm; Khi chế biến phải giữ vệ sinh tay và môi trường xung quanh cũng phải sạch sẽ; Khi đun nấu thì nên nấu chín, ăn ngay ở nhiệt độ phù hợp để giảm nguy cơ gây ngộ độc. Nếu ăn không hết thì vẫn có thể bảo quản các loại thực phẩm; trong khi chế biến, thực phẩm sống, chín cần bảo quản tách biệt. Thức ăn thừa thì cũng cần bảo quản sống, chín tách biệt để không lây nhiễm chéo. Nếu ăn thức ăn nấu lại thì bữa sau nên đun sôi lại, nấu lại cho đảm bảo. Cố gắng làm đến đâu ăn hết đến đó, hạn chế ăn thực phẩm cũ, không nên lưu thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh, đó là nguy cơ có thể xảy ra các vấn đề ngộ độc”, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng cho hay.

Về chế độ ăn, dinh dưỡng trong ngày Tết, bác sĩ Hưng khuyến cáo, cố gắng đảm bảo số bữa như ngày thường, không nên bỏ bữa; Nên ăn đủ rau xanh, hoa quả theo khuyến nghị của bác sĩ theo từng độ tuổi. Món ăn nhiều đường, nhiều chất béo, nhiều vị ngọt thì hạn chế ăn; Tránh ăn quá nhiều, thừa chất đạm, chất béo; Cần dành thời gian để rèn luyện thể lực, có thể chọn hình thức đi bộ, vận động, giúp tiêu hao năng lượng dư thừa trong ngày Tết.

Chung Thủy/ VOV.VN 

 

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi