Ngày Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) Thế giới do Sáng kiến Toàn cầu về Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính phối hợp với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và các nhóm bệnh nhân trên khắp thế giới tổ chức. Mục đích giúp nâng cao nhận thức về BPTNMT và đảm bảo tất cả mọi người mắc BPTNMT hoặc những người có nguy cơ mắc BPTNMT đều có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc và thông tin cần biết để có kế hoạch quản lý tốt tình trạng sức khỏe của chính mình hướng đến giảm gánh nặng của BPTNMT trên toàn thế giới và cải thiện cuộc sống của người BPTNMT.
Chủ đề của Ngày BPTNMT Thế giới năm 2024 sẽ là “Hãy biết về chức năng phổi của bạn”, chủ đề năm nay nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đo chức năng phổi, còn được gọi là đo hô hấp ký. Mặc dù đo hô hấp ký là một công cụ không thể thiếu để chẩn đoán BPTNMT, nó cũng có thể được sử dụng để đo lường sức khoẻ phổi trong suốt cuộc đời. Chúng ta biết rằng có nhiều yếu tố khác ngoài khói thuốc lá có thể góp phần gây ra BPTNMT. Phổi của chúng ta đang tiếp tục phát triển, từ khi còn trong bụng mẹ cho đến suốt tuổi trưởng thành. Trong suốt giai đoạn này chúng ta dễ bị tổn thương trước những tác nhân như ô nhiễm không khí và nhiễm trùng đường hô hấp có thể cản trở sự phát triển của phổi và làm tăng nguy cơ phát triển bệnh phổi mạn tính sau này. Thật không may, nhiều chức năng của phổi có thể bị mất trước khi chúng ta phát hiện các triệu chứng. Chức năng phổi không chỉ là yếu tố dự báo sức khoẻ của phổi mà còn là một trong những chỉ số sức khoẻ tổng thể của chúng ta. Ngay cả sự suy giảm nhỏ trong chức năng phổi cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ tử vong. Đo lường chức năng phổi trong suốt cuộc đời có thể mang lại cơ hội chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời nhiều bệnh về phổi, bao gồm cả bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
BPTNMT là căn bệnh rất nghiêm trọng cần phải phát hiện sớm và điều trị kịp thời ở giai đoạn sớm tránh được các biến chứng nguy hiểm do căn bệnh này gây ra. Phòng ngừa và điều trị BPTNMT chủ yếu dựa vào việc cai thuốc lá, đồng thời phải được chẩn đoán phát hiện sớm, kết hợp với các phương pháp vật lý trị liệu để phục hồi chức năng.
1. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?
Là bệnh hô hấp phổ biến có thể phòng và điều trị được. Bệnh đặc trưng bởi
các triệu chứng hô hấp dai dẳng và giới hạn luồng khí là hậu quả của những bất
thường của đường thở hoặc phế nang thường do phơi nhiễm với các phân tử hoặc khí độc hại, trong đó khói thuốc lá, thuốc lào là yếu tố nguy cơ chính, ô nhiễm không khí và khói chất đốt cũng là yếu tố nguy cơ quan trọng gây BPTNMT.
Khi các triệu chứng xuất hiện trong giai đoạn đầu, người bệnh thường chủ quan cho rằng những cơn ho khạc đàm là bình thường. Vì thế, không có can thiệp kịp thời, dẫn đến tiếp tục tiến triển ngày càng nặng dần và xuất hiện khó thở từ gắng sức ban đầu và sau đó khó thở liên tục ngay cả khi đang nghỉ ngơi trên giường.
2. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây ra Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính?
Nguyên nhân chính của BPTNMT là hút thuốc lá, bệnh hay gặp ở nam giới
trên 40 tuổi. Hít phải khói thuốc lá lâu dài gây nguy cơ cao khoảng 80-90% mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
- Di truyền (thiếu men Alpha1-Antitrypsin gây tổn thương phổi)
- Tiếp xúc lâu dài với khói thuốc lá, thuốc lào (bao gồm cả hút thuốc chủ động và thụ động).
- Ô nhiễm môi trường trong và ngoài nhà: khói bếp, khói, chất đốt bụi nghề nghiệp, hơi, khí độc…
3. Các triệu chứng của BPTNMT?
- Ho, khạc đờm kéo dài không do các bệnh phổi khác như lao phổi, giãn phế quản…là triệu chứng thường gặp. Lúc đầu có thể chỉ ho ngắt quãng, sau đó ho dai dẳng hoặc ho hàng ngày (ho kéo dài ít nhất 3 tháng trong 1 năm và trong 2 năm liên tiếp), ho khan hoặc ho có đờm, thường khạc đờm về buổi sáng.
- Khó thở: Tiến triển nặng dần theo thời gian, lúc đầu chỉ có khó thở khi gắng sức, sau đó khó thở cả khi nghỉ ngơi và khó thở liên tục.
- Nặng ngực.
- Tăng tiết đàm, nhớt hơn bình thường.
Ngoài ra nếu bệnh ở mức độ nặng người bệnh có thể có cảm giác ăn mất ngon, giảm cân, sốt….
Những triệu chứng này thường bị người bệnh chủ quan và không đi khám và
điều trị kịp thời.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể điều trị khỏi hoàn toàn? Bạn nên làm gì nếu mắc BPTNMT?
- Không nên quá lo lắng vì bạn không phải là người duy nhất mắc căn bệnh này.
- Hiện nay, Y khoa chưa có bất kỳ phương pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn BPTNMT, Tuy nhiên nếu tuân thủ nghiêm theo hướng dẫn của CBYT, bệnh nhân có thể kiểm soát tình trạng bệnh và giảm số đợt cấp cần phải nhập viện đó là:
+ Giảm triệu chứng.
+ Chậm quá trình tổn thương ở phổi.
+ Cải thiện khả năng gắng sức nâng cao chất lượng cuộc sống.
+ Ngăn ngừa và điều trị biến chứng.
- Tuân thủ đúng theo hướng dẫn của cán bộ y tế bạn sẽ có thể:
+ Giảm khó thở
+ Giảm ho
+ Hoạt động nhiều hơn.
- Bạn cần đến tái khám định kỳ hàng tháng và mỗi khi có đợt cấp xảy ra.
4. Điều trị BPTNMT như thế nào?
4.1. Một số phương pháp có thể làm cải thiện triệu chứng, giảm đợt cấp:
· Giữ không khí trong nhà thật sạch và thoáng: tránh tiếp xúc khói…
· Cai thuốc lá
· Tiêm phòng vaccine cúm, vaccine phế cầu có thể giảm các đợt cấp.
· Chăm sóc hỗ trợ: Vật lý trị liệu: giúp cải thiện chức năng gắng sức, cải thiện triệu chứng khó thở, mệt mỏi. Nên duy trì thường xuyên tập tại nhà.
· Kỹ thuật thở bằng cơ hoành/bụng: Cơ hoành là cơ chính của hơi thở. Nó sẽ làm hầu hết các công việc. Khi bạn có BPTNMT, cơ hoành không làm việc tốt và cơ bắp ở cổ, vai và lại được sử dụng. Các cơ bắp không làm việc nhiều để di chuyển không khí cho bạn. Thở bằng cơ hoành không phải là dễ dàng. Do đó bạn cần được hướng dẫn bởi nhân viên vật lý trị liệu có kinh nghiệm về bệnh lý hô hấp.
· Tập thể dục: có thể làm cho bạn cảm thấy thay đổi hít thở và cải thiện chất lượng cuộc sống.
· Điều trị oxy dài hạn (>15 giờ/ngày) cho bệnh nhân suy hô hấp mạn tính được chứng minh làm gia tăng tỷ lệ sống ở những bệnh nhân giảm oxy máu nặng khi nghỉ ngơi.
· Điều trị bệnh đồng mắc.
· Phẫu thuật giảm thể tích phổi.
· Thông khí hỗ trợ.
4.2. Điều trị thuốc:
Có rất nhiều loại thuốc có sẵn để điều trị BPTNMT. Một trong số những thuốc này có thể được dùng như là dạng viên hoặc viên nang. Một số dạng hít vào như phun sương hay bột khô. Mỗi loại thuốc hít khác nhau sẽ hoạt động theo một cách khác nhau. Điều quan trọng trong việc sử dụng dụng cụ hít là bạn phải hiểu rõ hơi thở của bạn và biết sử dụng thích hợp và đúng kỹ thuật các dụng cụ hít để bạn được hưởng những lợi ích nhiều nhất từ thuốc.
· Thuốc giãn phế quản: chủ lực trong điều trị triệu chứng. Thuốc được dùng khi cần hoặc hàng ngày nhằm ngăn ngừa triệu chứng.
+ Lựa chọn thuốc tùy mức độ nặng của bệnh, đáp ứng bệnh nhân và tác dụng phụ của thuốc.
+ Giãn phế quản tác dụng kéo dài dạng hít hiệu quả và thuận lợi.
+ Thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài giúp giảm nguy cơ đợt cấp, nguy cơ nhập viện, cải thiện triệu chứng và tăng chất lượng cuộc sống.
· Thuốc Corticoid dạng hít (ICS)
+ Giúp cải thiện chức năng hô hấp, giảm tỷ lệ đợt cấp, cải thiện triệu chứng.
+ Có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ viêm phổi .
· Corticoid toàn thân
· Thuốc ức chế Phosphodiesterase-4: (GOLD 3,4)
· Methylxanthines
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Vì vậy, những người thuộc nhóm nguy cơ cao như hút thuốc lá, làm việc hoặc sống trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, cơ địa dị ứng... nên đi khám ngay khi có các triệu chứng ho và khạc đờm thường xuyên (nhất là vào buổi sáng), khó thở khi gắng sức. Ho, khạc đờm dai dẳng thường xuất hiện nhiều năm trước khi có tình trạng tắc nghẽn đường dẫn khí (tuy không phải tất cả những ai có triệu chứng này đều tiến triển thành BPTNMT).
Những điều cần làm của người Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
- Bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính cần đến khám bác sĩ chuyên khoa ngay khi phát hiện các dấu hiệu mắc bệnh nói trên, để khám và định hướng điều trị đúng.
- Sử dụng thuốc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, khám sức khỏe định kỳ để tầm soát, phát hiện bệnh sớm. Tránh lạm dụng thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn để cắt cơn (sử dụng > 02 ống/tuần) sẽ tăng nguy cơ tử vong và nhập viện.
- Cai thuốc lá, thuốc lào; cần tránh hít phải khói thuốc (hút thuốc lá thụ động), giữ môi trường sống trong sạch, hạn chế tiếp xúc với các loại khói.
- Vật lý trị liệu, tập thể dục, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
Khi nào người bệnh cần gặp Bác sĩ?
Trong quá trình điều trị người bệnh cảm nhận có những triệu chứng bất thường hoặc tình trạng khó thở nặng hơn, cần trao đổi với Bác sĩ để có hướng xử trí và điều trị phù hợp hoặc cấp cứu kịp thời.
Hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và đo chức năng hô hấp nhằm phát hiện sớm và chẩn đoán xác định bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Bs. Trịnh Thị Hoài Thương - Khoa Khám bệnh
Tài liệu tham khảo
World-copd-day-2023
Bộ Y tế - Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bản cập nhật năm 2018