Đái tháo đường đang trở thành một vấn đề lớn của y học, gây những ảnh hướng xấu tới sức khỏe, làm suy giảm sức lao động, tăng tỉ lệ tử vong, giảm tuổi thọ của bệnh nhân và là gánh nặng cho nền kinh tế - xã hội [1]. Trên thế giới, theo báo cáo của Hiệp hội Đái tháo đường thế giới, năm 2021 trên toàn thế giới có khoảng 537 triệu người trưởng thành (20-79 tuổi) đang chung sống với bệnh tiểu đường. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 643 triệu vào năm 2030 và 783 triệu vào năm 2045 [1]. Tại Việt Nam, theo báo cáo điều tra năm 2022, tỷ đái tháo đường trên toàn quốc là 7,3%, tỷ lệ tiền đái tháo đường là 17,8% [2].
Định nghĩa và phân loại bệnh
Bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa, có đặc điểm tăng glucose huyết mạn tính do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.
(1) Đái tháo đường típ 1 (do phá hủy tế bào beta tụy, dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối).
(2) Đái tháo đường típ 2 (do giảm chức năng của tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin).
(3) Đái tháo đường thai kỳ (là ĐTĐ được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về ĐTĐ típ 1, típ 2 trước đó).
(4) Các loại ĐTĐ đặc biệt do các nguyên nhân khác, như ĐTĐ sơ sinh hoặc đái tháo đường do sử dụng thuốc và hóa chất như sử dụng glucocorticoid, điều trị HIV/AIDS hoặc sau cấy ghép mô [3].
Nguyên nhân gây ra bệnh đái tháo đường
Glucose là chất cần thiết cho cơ thể của bạn, nó đóng vai trò là nguồn năng lượng cho các tế bào của cơ bắp và các mô, đặc biệt là não bộ. Glucose được cung cấp vào cơ thể chủ yếu thông qua nguồn thực phẩm bạn ăn mỗi ngày và được dự trữ ở gan. Để glucose trong máu được hấp thụ nuôi các tế bào thì phải cần đến “vật dẫn” là hoocmon hỗ trợ từ tuyến tụy – insulin. Bất kỳ sự bất thường nào xảy ra trong quá trình trao đổi chất này đều có thể làm cho glucose không thể đi vào các tế bào và cung cấp năng lượng. Kết quả lượng đường vẫn còn trong máu. Sự mất cân bằng này được tích lũy qua thời gian và dẫn đến lượng đường trong máu cao đáng kể, được gọi là tăng đường huyết.
Các loại bệnh tiểu đường
Ở tiểu đường tuýp 1, insulin vì một lý do nào đó mà số lượng sản xuất ít hoặc các tế bào tuyến tụy không thể sản xuất insulin. Sự thiếu hụt insulin dẫn đến việc glucose trong máu không được hấp thụ, từ đó xảy ra dư thừa, gây nên bệnh tiểu đường.
Về tiểu đường tuýp 2, vấn đề này nằm ở các tế bào hấp thụ glucose. Các tế bào này tự phát sinh đề kháng với insulin, điều này khiến glucose không được hấp thụ vào tế bào. Làm tăng lượng đường huyết trong máu dẫn đến tiểu đường.
Tương tự, ở đái tháo đường thai kỳ, nhau thai tạo ra các kích thích tố. Các kích thích tố này khiến các tế bào đề kháng lại với insulin.
Nguyên nhân của bệnh tiểu đường hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng. Các yếu tố bao gồm di truyền và lối sống không cân bằng, chế độ ăn nhiều thịt đỏ, chất béo và hàm lượng bột đường cao, thừa cân béo phì… là những yếu tố nguy cơ cao dẫn đến tiểu đường. Nếu cha mẹ bị tiểu đường thì con của họ sẽ dễ bị bệnh hơn hoặc lối sống bao gồm chế độ ăn và tập luyện không điều độ cũng dễ gây ra tiểu đường.
Khoa Kiểm soát bệnh tật
[1].WHO. Diabetes. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/diabetes, accessed: 10/03/2024.
[2]. Phạm Thị Huyền Trang và cộng sự. 2022. Thực trạng tuân thủ điều trị của người bệnh đái tháo đường tuýp 2 điều trị ngoại trú tại bệnh viện Tuệ Tĩnh. Tạp chí Khoa học Điều dưỡng, tập 6, số 02.
[3]. Bộ Y tế. Quyết định số 5481/QĐ-BYT ngày 30/12/2020 về Ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2”.