HOTLINE

Hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống Tăng huyết áp 17/5

Nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng, xã hội về gánh nặng bệnh tật và các biện pháp hiệu quả phòng, chống tăng huyết áp và bệnh tim mạch. Từ năm 2005 Hội Tăng huyết áp quốc tế kết hợp với Tổ chức Y tế thế giới đã quyết định lấy ngày 17 tháng 5 hàng năm là ngày Tăng huyết áp thế giới.

Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống tăng huyết áp năm 2023 với chủ đề :“Đo huyết áp đúng - Kiểm soát huyết áp tốt - Sống khỏe”, mỗi người dân trên 18 tuổi hãy tới các cơ sở y tế để được kiểm tra huyết áp nhằm phát hiện sớm theo dõi và tư vấn kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Tăng huyết áp và biểu hiện của bệnh

Tăng huyết áp hay cao huyết áp là tình trạng áp lực dòng chảy của máu lên thành động mạch của cơ thể tăng cao. Một người được xác định là bị tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên. Đây là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các bệnh về tim, não, thận và các bệnh lý khác.

Phần lớn khi bị Tăng huyết áp không có biểu hiện, một số trường hợp có một số triệu chứng như đau đầu vào sáng sớm, chảy máu cam, nhịp tim không đều, thay đổi thị lực, ù tai, … Tăng huyết áp nghiêm trọng có thể gây ra mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa, lú lẫn, lo lắng, đau ngực và run cơ.

Những biến chứng tăng huyết áp cần biết

Có rất nhiều trường hợp bị tăng huyết áp nhưng không biết, vì không có biểu hiện nào khác thường. Tuy bệnh tăng huyết áp diễn biến âm thầm nếu không được kiểm soát sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:

- Tim mạch: Nhồi máu cơ tim, suy tim.

- Não bộ: Xuất huyết não, nhồi máu não, thiếu máu não

- Mắt: Tổn thương mạch máu ở võng mạc gây mù mắt.

- Thận: suy thận

- Động mạch ngoại biên: hẹp các mạch máu ngoại biên, phình bóc tách động mạch chủ ngực, bụng…

Các biện pháp phòng bệnh Tăng huyết áp

- Luôn duy trì cân nặng ở mức hợp lý, có chế độ ăn uống khoa học, ăn nhiều rau xanh và trái cây, ngũ cốc thô, cá, các loại dầu ôliu, dầu bắp, dầu hướng dương, dầu đậu nành ... dùng dưới 5g muối/ngày; hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axit béo no; chất bột đường, thịt đỏ, thức ăn chế biến sẵn, các chất kích thích (Rượu, bia, cà phê, thuốc lá, thuốc lào).

- Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày, có thể chọn là đi bộ, bơi lội, các môn thể thao vừa sức...

- Duy trì lối sống lành mạnh, ăn đủ bữa, không ăn quá nhiều hay quá muộn, hạn chế bia, rượu, cà phê. giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo âu hay căng thẳng thần kinh. Không thức khuya, đảm bảo ngủ đủ giấc mỗi đêm.

- Kiểm tra huyết áp thường xuyên là biện pháp đơn giản và quan trọng nhất để phát hiện sớm bệnh Tăng huyết áp. Nhiều trường hợp tăng huyết áp không biết mình mắc bệnh vì nó có thể không có dấu hiệu hoặc triệu chứng cảnh báo và được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”. Cách duy nhất để phát hiện bệnh tăng huyết áp là đo huyết áp.

Người bị bệnh Tăng huyết áp bên cạnh áp dụng các biện pháp tích cực thay đổi lối sống cần được theo dõi, quản lý bệnh lâu dài taị cơ sở y tế và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ để tránh các biến cố không cần thiết.

Hình ảnh đo huyết áp tại các cơ sở trực thuộc Trung tâm Y tế quận Tân Bình

Bs. Trần Đình Khâm – Khoa Kiểm soát bệnh tật Trung tâm Y tế quận Tân Bình

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi