HOTLINE

TRẦM CẢM Ở NGƯỜI CAO TUỔI

         Cùng với chứng sa sút trí tuệ, trầm cảm được coi là một trong những vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến ở người cao tuổi. Các nghiên cứu sàng lọc trầm cảm sử dụng các công cụ khác nhau đều cho thấy tỉ lệ người cao tuổi mắc rối loạn trầm cảm ở mức cao [1].

          Trầm cảm là gì?

          Trầm cảm (depression) là một rối loạn cảm xúc, biểu hiện bằng các triệu chứng buồn chán, mất sự hứng thú; ý tưởng tự ti, bi quan, tiêu cực, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống có thể dẫn đến ý tưởng hoặc hành vi tự sát. Hầu hết bệnh trầm cảm có thể điều trị bằng thuốc hoặc liệu pháp tâm lý. Trầm cảm là nguyên nhân đứng hàng thứ 2 gây suy giảm chức năng nghề nghiệp, xã hội sau các bệnh lý về tim mạch và đến năm 2030 được dự đoán là nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật toàn cầu [2].

 

          Những biểu hiện trầm cảm của người cao tuổi

          Trầm cảm có rất nhiều dạng, kể cả những dạng có nhiều các triệu chứng thực thể. Một số người cao tuổi bị trầm cảm lại hoàn toàn không hề có cảm giác buồn, nhưng họ lại có rất nhiều các dấu hiệu khó chịu vì cảm giác mệt mỏi, đau nhức triền miên không dứt. Bác sĩ khó mà xác định các triệu chứng này do bệnh thực thể gây ra hay là do bệnh trầm cảm.

          Bên cạnh những triệu chứng chung của trầm cảm như mọi độ tuổi thì trầm cảm ở người cao tuổi còn biểu hiện bằng các triệu chứng cơ thể khác nhau như đau nhức, hồi hộp, mệt mỏi.. Các triệu chứng này chồng lấp với các triệu chứng của bệnh lý cơ thể mà người cao tuổi thường hay mắc phải nên làm cho trầm cảm dễ bị bỏ sót Trên thực tế có đến hơn 90% người cao tuổi có các biểu hiện trầm cảm mà không được chẩn đoán và điều trị thích hợp [3].

          Những người cao tuổi trầm cảm dễ rơi vào trạng thái biệt lập, cô độc do tự ti. Họ thường cảm thấy khó khăn trong việc diễn đạt những cảm giác của mình thành lời, do vậy những người xung quanh không nhận ra được những bất ổn ở họ. Khi cố gắng diễn đạt những cảm giác của mình liên quan đến trầm cảm, họ lại thường tập trung vào các chủ đề khác. Chẳng hạn, họ than phiền về những nỗi lo về tài chính, vấn đề hoà thuận với các thành viên trong gia đình và thường nhất là các vấn đề về sức khoẻ.

          Các chương trình điều trị bệnh trầm cảm ở người cao tuổi

          Hầu hết các bệnh nhân trầm cảm có thể được cải thiện đáng kể các triệu chứng khi điều trị.

          Các biện pháp điều trị trầm cảm hiện nay bao gồm uống các thuốc chống trầm cảm, các biện pháp tâm lý và thư giãn luyện tập.

          - Thuốc chống trầm cảm điều chỉnh trạng thái mất cân bằng sinh hoá trong não vì tình trạng này có thể là một yếu tố gây ra bệnh trầm cảm.Hiện nay có rất nhiều loại thuốc chống trầm cảm khác nhau, người cao tuổi sẽ được các bác sỹ kê toa thuốc phù hợp với tình trạng bệnh lý và thích hợp với từng người cụ thể, ít có các tác dụng phụ bất lợi và đặc biệt phải an toàn.

          Việc dùng thuốc chống trầm cảm ở người cao tuổi cũng phải tuân thủ về hàm lượng, liều lượng và đủ thời gian vì điều này sẽ làm cho bệnh thuyên giảm, khỏi và không tái phát. Để đạt được mục đích này yêu cầu dùng thuốc liên tục từ 4 – 6 tháng. Chỉ ngừng thuốc khi nào có ý kiến của bác sỹ.

          - Các liệu pháp tâm lý cũng rất hữu ích cho người bị trầm cảm. Tuỳ theo tình trạng bệnh mà bác sỹ đưa ra các liệu pháp thích hợp, có khi đơn giản chỉ là một buổi trò chuyện cùng bác sỹ chẳng hạn cũng đã giúp ích cho người bị bệnh rất nhiều.

          Bệnh nhân cao tuổi thường phát hiện bệnh lý trầm cảm muộn, vì vậy gia đình cần quan tâm chăm sóc cả về thể chất và lẫn tinh thần đối với người cao tuổi trong gia đình. Đặc biệt, định kỳ đưa người cao tuổi đến cơ sở y tế để thực hiện sàng lọc về sức khỏe tâm thần để kịp thời phát hiện những bệnh lý tiềm ẩn và có phương pháp điều trị thích hợp.

                                                                                      Khoa Kiểm soát bệnh tật

          [1] Hoang Lan N, Thi Thu Thuy N.Depression among ethnic minority elderly   in the Central Highlands, Vietnam. Health Psychol Open. Jul-Dec 2020;7(2):2055102920967236. doi:10.1177/2055102920967236

          [2] George N. Christodoulou (2012), “Trầm cảm là hậu quả của khủng hoảng kinh tế, trầm cảm: căn bệnh toàn cầu”, Ngày sức khỏe tâm thần thế giới 10/10/2012, Liên đoàn sức khỏe tâm thần thế giới.

          [3] Nguyễn Văn Dũng (2014), Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, các yếu tố liên quan và điều trị các rối loạn trầm cảm ở người cao tuổi, tại Viện sức khỏe Tâm thần- Bệnh viện Bạch Mai, luận án tiến sĩ, Đại Học Y Hà Nội.

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi