HOTLINE

TÌM HIỂU VỀ BỆNH HO GÀ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thông tin từ đầu năm 2024 đến nay, Thành phố Hà Nội đã có 17 trường hợp mắc ho gà, trong khi cả năm 2023 chỉ có 1 ca bệnh và năm 2022 không có ca bệnh nào. Chỉ tính từ ngày 8/3 đến 15/3, Hà Nội ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc ho gà. Cả hai đều là trẻ mới 1 tháng tuổi, chưa đến tuổi tiêm phòng vắc xin. Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho thấy, hầu hết các trường hợp mắc ho gà là trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ [1].

Bệnh ho gà là gì?

Ho gà là bệnh lây truyền cấp tính, do vi khuẩn Bordetella pertussis gây nên, xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ em. Bệnh có khả năng lây lan cao hơn cảm cúm, một người có thể lây cho 12-17 người. Bệnh xảy ra thành dịch lẻ tẻ ở tất cả các nước, chu kỳ dịch xuất hiện khoảng 2-5 năm, bệnh biểu hiện chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi, các ca bệnh nặng và  tử  vong  hay  gặp  ở  trẻ  độ  tuổi  bú  mẹ.  Theo  ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, bệnh ho gà là nguyên nhân gây tử vong ở 63.000 trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt ở các nước đang phát triển [2]. Tại Việt Nam, bệnh phân bố hầu khắp các vùng miền và các tỉnh, tuy nhiên, bệnh có tỷ lệ mắc cao tại các tỉnh thành phố mật độ dân số đông. Bệnh xảy  ra  rải  rác  trong  năm,  hay  gặp  hơn  vào  mùa  đông xuân [3].

Biểu hiện của bệnh ho gà

Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1 – 2 tuần, kéo dài 1 – 2 tháng hoặc lâu hơn. Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn. Ca bệnh xác định bằng cách phân lập vi khuẩn hoa gà dương tính hoặc xét nghiệm kháng thể huỳnh quang trực tiếp dịch tiết từ mũi họng bệnh nhân [4].

Ho gà có biểu hiện và triệu chứng dễ nhầm với các bệnh hô hấp khác, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Cụ thể, đối với trẻ ho do cảm lạnh, bởi nhiễm trùng đường hô hấp trên thường bắt đầu với các triệu chứng cảm lạnh, chảy mũi, ngạt mũi và ho. Do đó, bác sĩ khuyến cáo khi thấy trẻ nghi ngờ mắc bệnh, cần cách ly trẻ với những trẻ khác (kể cả trẻ đã được tiêm phòng) và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị càng sớm càng tốt.

Biểu hiện của bệnh ho gà

Phòng bệnh ho gà

Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh, trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn là tiêm vaccine theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Hiện, vắc xin có thành phần ngừa ho gà gồm các vaccine phối hợp như 5 trong 1 và 6 trong 1, chỉ định cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi với phác đồ 4 mũi. Cơ sở tiêm chủng dịch vụ có loại phối hợp 3 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, dùng được trên phụ nữ mang thai; loại phối hợp 4 trong 1 phòng thêm bại liệt, chỉ định cho trẻ từ 2 tháng đến 13 tuổi.

Mũi tiêm chứa thành phần ho gà cần nhắc lại khi trẻ 4-6 và 9-15 tuổi. Hiệu quả bảo vệ của vaccine giảm dần theo thời gian, vì vậy người lớn cần nhắc lại sau mỗi 10 năm để duy trì hiệu quả miễn dịch phòng bệnh ho gà lâu dài.

Nguồn: Lê Thị Châu An - Khoa Kiểm soát bệnh tật

[1] https://hanoimoi.vn/ha-noi-da-co-17-ca-mac-ho-ga-chuyen-gia-chi-cach-phan-biet-voi-ho-thong-thuong-660945.html

[2] Paddock,    c.D.,    et    al.,    Pathology    and    pathogenesis     of     fatal     Bordetella     pertussis     infection  in  infants.  Clin  Infect  Dis,  2008.  47(3):  p. 328-38.

[3] Đỗ  thiện  hải,  Dương  Thị  Hồng,  Đỗ  Thúy  Nga,  Dịch  tễ  học  bệnh  ho  gà  ở  trẻ  em  tại  Bệnh viện Nhi Trung ương giai đoạn 2012 -2014. Tạp chí Y học Dự phòng, 2016. XXVI, số 6 (179)(6(179)).

[4] https://vncdc.gov.vn/benh-ho-ga-nd14504.html                   

 

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi