Trong những ngày gần đây, người dân trên địa bàn quận Tân Bình quan tâm về thông tin người dân cần ký cam kết nếu không tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu bản thân hoặc người thân mắc COVID-19 cũng như lây bệnh cho người khác.
Nay Trung tâm y tế quận Tân Bình cung cấp một số thông tin cụ thể về vấn đề này như sau
Ai cần ký cam kết chịu trách nhiệm về việc không đồng ý tiêm vắc xin phòng COVID-19?
Thời gian vừa qua tình hình dịch bệnh trên địa bàn quận Tân Bình cơ bản đã được khống chế, người dân cũng đã dần trở lại cuộc sống thích ứng với COVID-19. Nhờ công tác tiêm chủng vắc xin hiệu quả đã góp phần lớn để kiểm soát dịch bệnh, hạn chế lây lan cũng như giảm thiểu các trường hợp phải nhập viện điều trị.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ổn định cũng đã khiến công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 gặp nhiều khó khăn khi người dân dường như không còn sự ủng hộ với vắc xin. Khi càng ít ca bệnh và ca bệnh nặng thì hiệu quả của vắc xin dường như bị xem nhẹ.
Bên cạnh đó, những thông tin chưa được kiểm chứng về thời hạn sử dụng cũng như các tác dụng không mong muốn khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 đã lan truyền trong cộng đồng, dẫn đến người dân có tâm lý e ngại khi tiêm vắc xin.
Để tiếp tục đẩy mạnh Tháng cao điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn quận, ngày 27/6 vừa qua, Uỷ ban nhân dân quận Tân Bình đã ban hành văn bản gửi đến các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn. Trong đó có nội dung yêu cầu người dân không đồng ý tiêm chủng phải ký cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh.
Đối với các đối tượng đủ điều kiện tiêm, đã được vận động, truyền thông đầy đủ về lợi ích, ý nghĩa của việc tiêm vắc xin, sự nguy hiểm của COVID-19, nhưng vẫn không đồng ý tiêm cho bản thân hoặc người thân thì cần được ký cam kết để gắn liền trách nhiệm của người dân vào công tác tiêm vắc xin nhằm kiểm soát tốt dịch COVID-19.
Nhóm đối tượng này sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu bản thân hoặc người thân mắc COVID-19 và làm lây lan dịch bệnh cho người khác.
Ký cam kết không phải là “ép buộc” người dân tiêm vắc xin
Cần biết vắc xin chính là vũ khí chiến lực, là yếu tố quyết định trong phòng chống COVID-19. Dù vậy, hiệu quả bảo vệ của vắc xin sẽ suy giảm theo thời gian, vì vậy mọi người dân cần tự giác đi tiêm chủng. Đây không chỉ là trách nhiệm, quyền lợi của cá nhân mà còn vì sức khoẻ của cộng đồng.
Bác sĩ đang thực hiện khám sàng lọc cho người dân tiêm mũi 4 vaccine phòng COVID-19 tại điểm tiêm trường Thân Nhân Trung, phường 13
Công tác truyền thông về tiêm vắc xin phòng COVID-19 sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhằm vận động người dân, đặc biệt là các nhóm đối tượng nguy cơ nhiễm bệnh, chuyển biến nặng thực hiện tiêm các mũi nhắc lại đúng lịch.
"Tiêm chủng tự nguyện nhưng là tiêm chủng chống dịch. Ngày 27-6 Bộ Y tế sẽ họp báo xung quanh đợt tiêm này, trong đó công bố số liệu khảo sát sau tiêm vắc xin thời gian qua, số ca COVID-19 nặng giảm rất rõ rệt, có bằng chứng so sánh trước và sau thực hiện tiêm chủng. Ở trẻ mắc COVID-19 nhiều cháu mắc hội chứng MICS (viêm đa cơ quan), số có hội chứng này có và không tiêm vắc xin chênh lệch rõ rệt, số không tiêm gặp hội chứng MICS nhiều hơn số có tiêm nhiều lần", chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia thông tin.
Một số thông tin về tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4)
- Đối tượng tiêm: Người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao phơi nhiễm COVID-19 (cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu chống dịch, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp,…)
- Vắc xin sử dụng: vaccine mRNA (do hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất), vắc xin do AstraZeneca sản xuất, vaccine cùng loại với liều nhắc lại lần 1.
- Khoảng cách tiêm chủng ít nhất 4 tháng sau khi tiêm mũi nhắc lại lần 1; đối với người đã mắc COVID-19 sau mũi nhắc lại lần 1 thì cần trì hoãn ít nhất 3 tháng kể từ ngày mắc COVID-19.
Infographic về mũi 4 vaccine phòng COVID-19 (Nguồn: HCDC)
Khi càng nhiều người trong cộng đồng được chủng ngừa, mầm bệnh càng khó lưu hành vì hầu hết người chúng gặp đều có miễn dịch. Như vậy, tỷ lệ tiêm chủng càng nhiều, thì những người không được tiêm hoặc chưa tiêm vaccine càng có ít nguy cơ nhiễm bệnh, đây được gọi là miễn dịch cộng đồng.
- Nguyễn Hoàng Phúc Nguyên – P.TTGDSK