Chiều 12/8, Sở Y tế TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết triển khai tháng cao điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em và công tác phòng chống dịch bệnh Sốt xuất huyết. Hội nghị do BS.CK2 Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế chủ trì nhằm đánh giá kết quả đã được được và đề ra phương hướng hoạt động trong thời gian tới.
Hiện nay, Thành phố đã ghi nhận 17 trường hợp tử vong do Sốt xuất huyết (SXH). Số mắc mới được ghi nhận hàng ngày vẫn ở mức 500-600 trường hợp, ở mức cao so cùng kỳ các năm trước đó. Theo kết quả giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC), toàn thành phố có trên 7.000 điểm nguy cơ có lăng quăng. Đáng lưu ý, đối với những điểm nguy cơ không có người quản lý trực tiếp thì 50% điểm là phát hiện có lăng quăng, những điểm nguy cơ có người quản lý trực tiếp là 40% và hộ gia đình là 20%.
Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn thành phố đã thực hiện 328 quyết định xử phạt theo nghị định 117/2020/NĐ-CP đối với những địa điểm để phát sinh nhiều lăng quăng, muỗi có khả năng gây dịch bệnh SXH. Việc xử phạt được chính quyền địa phương triển khai quyết liệt trong tháng 7 và nửa đầu tháng 8. Cụ thể, có 199 điểm trong tháng 7 và 74 điểm trong tháng 8 bị xử phạt.
Về công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em, kết quả tiêm chủng đã khả quan hơn từ khi triển khai tháng cao điểm. Sau 10 ngày triển khai, trung bình mỗi ngày tiêm được trên 13.000 liều, tăng gấp đôi so với trước đó. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ tại Thành phố vẫn thấp hơn trung bình cả nước. Điều này vô cùng đáng lo ngại khi trẻ em chưa được bao phủ vắc xin phòng COVID-19 nhất là trong bối số ca mắc COVID-19 được ghi nhận đang có xu hướng gia tăng.
Bên cạnh những quận huyện có nỗ lực trong tuần đầu tháng cao điểm (Quận 7, Quận 5, Phú Nhuận, Bình Thạnh, TP. Thủ Đức, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi) thì vẫn còn có những quận huyện dù tỷ lệ tiêm thấp nhưng chưa đẩy nhanh tốc độ tiêm trong tháng cao điểm, bao gồm: Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Quận 1, Quận 3, Quận 4, Quận 6, Quận 8, Quận 11, Quận 10, Quận 12, huyện Hóc Môn
Kết luận tại Hội nghị, BS.CK2 Nguyễn Hữu Hưng nhận định, tỷ lệ trẻ được tiêm vắc xin chưa cao do nhiều nguyên nhân. Do đó, chính quyền các cấp cần phải phối hợp để đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhất là cần làm cho phụ huynh hiểu sự cần thiết của việc tiêm vắc xin cho trẻ, nhất là ở những phụ huynh chưa đồng thuận. Đối với những phụ huynh đã đồng thuận tiêm vắc xin thì cần đẩy nhanh tiến độ tiêm, không được trì hoãn, gây bất lợi đối với phụ huynh khi đưa trẻ đến tiêm chủng.
Trong tình hình các loại dịch bệnh diễn biến phức tạp trong nước và nguy cơ xâm nhập của các bệnh mới nội như đậu mùa khỉ, viêm gan bí ẩn thì tiêm chủng vắc xin là ưu tiên hàng đầu. Để đạt được tỷ lệ bao phủ vắc xin ở trẻ em, cần phát huy vai trò của nhà trường và hiệu trưởng trong việc vận động phụ huynh học sinh cũng như tổ chức tiêm tiêm cùng với Ngành y tế.
Bên cạnh đó, số liệu tiêm chủng phải được cập nhật chính xác, thống nhất, đồng bộ số liệu giữa các cơ quan quản lý: Sở Y tế, Sở giáo dục, Uỷ ban nhân dân quận huyện. HCDC tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường truyền thông về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở trẻ em.
/>
BS.CK2 Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Đối với công tác phòng chống dịch SXH, các quận/huyện/TP. Thủ Đức cần phải tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát các điểm nguy cơ có khả năng phát sinh lăng quăng, muỗi. Song song đó, chính quyền địa phương cần quyết liệt xử phạt đối với những điểm nguy cơ vẫn để tiếp diễn phát sinh lăng quăng. Nhằm đánh giá toàn diện, Sở Y tế sẽ tăng cường công tác kiểm tra hoạt động phòng chống SXH cũng như tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong thời gian sắp tới.
Thành phố đã có điểm mới so với hoạt động hàng năm. Đó là việc bổ sung tính năng phản ánh điểm nguy cơ làm lây nhiễm SXH vào ứng dụng “y tế trực tuyến”. Đây là ứng dụng dành cho người dân có thể phản ánh trực tiếp đến ngành y tế thành phố về những khu vực phát sinh lăng quăng, muỗi gây bùng phát dịch tại địa phương. Sau khi tiếp nhận phản ánh, Sở Y tế, HCDC sẽ chuyển thông tin đến chính quyền địa phương để xử lý. Để phát huy triệt để mô hình mới trên, bác sĩ Hưng yêu cầu tăng cường quảng bá ứng dụng “Y tế trực tuyến” và xem xét việc biểu dương, khen thưởng đối với những cá nhân đã có nhiều đóng góp trong việc phản ánh.
Sau khi nhận phản ánh của người dân qua ứng dụng “y tế trực tuyến”, chính quyền địa phương đã tiến hành xử lý triệt để.
Phú Khánh - HCDC