Sáng ngày 26/4/2023, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức tập huấn trực tuyến cho các bệnh viện bộ ngành, bệnh viện công lập, ngoài công lập và trung tâm y tế trên địa bàn Thành phố về vấn đề thu dung và điều trị COVID-19 ở người lớn và trẻ em.
Ảnh: Điểm cầu chính của buổi tập huấn diễn ra tại Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh
Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh vẫn diễn biến phức tạp với sự xuất hiện các biến thể phụ mới của biến chủng Omicron như XBB.1.5, XBB.1.9.1, XBB.1.16 và XBB.1.16.1. Số ca bệnh nhập viện điều trị bắt đầu tăng trở lại. Các cơ sở y tế cần chuẩn bị sẵn sàng để công tác thu dung, chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19 được diễn ra nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, góp phần giảm nguy cơ diễn tiến nặng.
Hệ thống cơ sở điều trị COVID-19 tại TP.HCM tiếp tục được thực hiện theo mô hình “tháp 3 tầng” gồm tầng 1 là cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 không triệu chứng và nhẹ; tầng 2 là cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 mức độ vừa và nặng; và tầng 3 là cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 mức độ nặng và nguy kịch.
Đối với công tác thu dung và điều trị COVID-19 ở trẻ em, BS. CKII. Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết vẫn triển khai thực hiện theo Quyết định số 405/QĐ-BYT ngày 22/02/2022 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em.
Theo đó, khi điều trị cho trẻ cần tuân thủ các nguyên tắc: (1) Tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chuẩn trước và trong thời gian điều trị, chăm sóc; (2) Phân loại trẻ bệnh theo mức độ và điều trị theo các mức độ nặng của bệnh; (3) Tuân thủ nguyên tắc cấp cứu A-B-C: kiểm soát đường thở, hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn; (4) Cá thể hóa các biện pháp điều trị, đặc biệt là các ca bệnh nặng nguy kịch; (5) Điều trị nguyên nhân: thuốc kháng vi rút; (6) Điều trị cơn bão cytokin: corticoid, lọc máu, ức chế sản xuất hoặc đối kháng IL receptor; (7) Điều trị chống đông ở trẻ em cần cân nhắc cẩn thận, nhất là ở trẻ < 12 tuổi; (8) Kháng sinh/kháng nấm: khi có bằng chứng lâm sàng và xét nghiệm; (9) Điều trị hỗ trợ khác: đảm bảo trẻ được bú mẹ và dinh dưỡng hợp lý theo mức độ nặng của bệnh, bù nước điện giải, vật lý trị liệu, sức khỏe tâm thần; (10) Điều trị triệu chứng: hạ sốt giảm ho, giảm đau…; (11) Điều trị bệnh nền nếu có.
Ảnh: Trao đổi, giải đáp thắc mắc của các đơn vị tham gia buổi tập huấn
BS. CKII. Nguyễn Minh Tiến cũng nhấn mạnh đến các yếu tố nguy cơ cần chỉ định nhập viện đối với trẻ em mắc COVID-19. Thứ nhất là trường hợp trẻ mắc COVID-19 được chẩn đoán mức độ nhẹ nhưng đang có diễn tiến thành trung bình, nặng hoặc nguy kịch. Thứ hai là trường hợp trẻ mắc COVID-19 mức độ nhẹ có kèm theo một trong các dấu hiệu cảnh báo nặng như sốt cao > 39oC không hạ hoặc sốt cao liên tục ≥ 3 ngày; có các dấu hiệu nguy hiểm toàn thân (nôn tất cả mọi thứ, li bì khó đánh thức, bỏ ăn bỏ bú, co giật); đau tức ngực; thở nhanh, thở bất thường; SpO2 < 95% hoặc các dấu hiệu cảnh báo của bệnh đồng nhiễm; …
Đối với công tác thu dung và điều trị COVID-19 ở người lớn, tại buổi tập huấn, ThS. BS. Hà Thị Hải Đường - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã nhấn mạnh đến các nguyên tắc điều trị phân theo mức độ nhiễm COVID-19 của ngươi bệnh. Đồng thời chia sẻ, hướng dẫn các đơn vị về việc sử dụng thuốc trong điều trị COVID-19 như thuốc kháng vi-rút, thuốc corticoid, thuốc điều trị kháng đông, và các phương pháp hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân COVID-19, nhất là nội dung chỉ định và chống chỉ định khi sử dụng ECMO.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh