HOTLINE

Ca tử vong đầu tiên ở Việt Nam vì bệnh đậu mùa khỉ

Người đàn ông 29 tuổi tử vong sau 18 ngày điều trị đậu mùa khỉ trên nền suy giảm miễn dịch, được cho là bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam qua đời vì bệnh này.

Ngày 25/10, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu, cho biết bệnh nhân ngụ Long An, nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM vì sốt, nổi mụn nước 9 ngày. Anh được cách ly điều trị, xét nghiệm sang thương mụn nước, kết quả PCR dương tính với đậu mùa khỉ.

Người bệnh có tình trạng suy giảm miễn dịch nặng với xét nghiệm HIV dương tính. Quá trình điều trị, anh nhiễm trùng toàn thân nặng với nhiễm nấm Candida, viêm phổi, lao, sau đó diễn tiến vào sốc nhiễm trùng, suy đa tạng nặng.

Các bác sĩ điều trị tích cực với máy thở, lọc máu, dùng các thuốc kháng sinh, kháng nấm, kháng lao. Tuy nhiên, do tình trạng diễn tiến nặng, bệnh nhân tử vong sau 18 ngày.

Đây là bệnh nhân đậu mùa khỉ đầu tiên tử vong tại TP HCM cũng như tại Việt Nam. Sở Y tế đã chỉ đạo thành lập hội đồng chuyên môn để có kết luận và báo cáo về trường hợp này.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM đang điều trị 20 ca đậu mùa khỉ, trong đó 18 trường hợp là bệnh nhân HIV, gồm 17 nam và một nữ. Trong số này, hai người diễn tiến nặng với chẩn đoán nhiễm trùng máu, nhiễm trùng tầng sinh môn, giang mai ác tính...

Tính đến ngày 16/10, TP HCM công bố 19 ca đậu mùa khỉ, Bình Dương hai ca, Long An một ca. Phần lớn bệnh nhân chưa xác định được nguồn lây nhiễm. Sau đó, TP HCM không công bố thêm ca nhiễm, ngoài số đang điều trị như trên. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mầm bệnh đã âm thầm lưu hành trong cộng đồng, những bệnh nhân trên được xem là "ca nội địa".

Các bác sĩ cho rằng đậu mùa khỉ có cách lây gần giống HIV do tiếp xúc, cọ sát với mụn nước, quan hệ tình dục với người đang mắc... Hầu hết bệnh xảy ra trên nhóm đồng tính nam, người song tính, người có nhiều bạn tình, lây qua đường quan hệ tình dục.

Bệnh nhanh khỏi nếu bệnh nhân có miễn dịch tốt, thường diễn tiến nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng với người suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS, xơ gan, tiểu đường... Các triệu chứng bệnh nặng thường là tổn thương da lớn hơn, lan rộng hơn (đặc biệt là ở miệng, mắt và bộ phận sinh dục), nhiễm trùng thứ phát ở da dẫn đến nhiễm trùng máu và viêm phổi nặng.

Chuyên gia khuyến cáo không nên lo lắng quá mức bởi đậu mùa khỉ không dễ lây lan ra cộng đồng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây lo ngại trên toàn cầu, dỡ bỏ mức cảnh báo cao nhất vào ngày 11/5/2023. Trước đó, ngày 23/7/2022, cơ quan tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Người dân cảnh giác chủ động phòng ngừa tích cực nếu thuộc nhóm nguy cơ cao và tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng nghi ngờ. Người có triệu chứng nghi ngờ như phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu khác như sốt trên 38 độ C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược... cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục, đồng thời liên hệ cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.

 

                                                                   Lê Phương (vnexpress.net)

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi