HOTLINE

Loạt hổ, sư tử nuôi ở Đồng Nai, Long An chết bất thường

TPCHM – Liên quan đến vụ việc 17 con hổ nuôi ở Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài, TP Biên Hoà (Đồng Nai) bị chết, Viện Pasteur TPHCM đã tiến hành xác minh khẩn.

Một cá thể hổ tại Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài. Ảnh: Nam Nguyễn

Viện Pasteur TPHCM nhận được thông tin chia sẻ từ Chi cục Thú y vùng VI về việc ghi nhận hổ chết có kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm A/H5N1 tại vườn thú Mỹ Quỳnh (Long An) và hổ chết chưa rõ nguyên nhân tại khu du lịch Vườn Xoài (Đồng Nai). Đồng thời, Viện Pasteur TPHCM nhận được báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An tại văn bản số 1931/KSBT-BTN về kết quả điều tra người tiếp xúc gần với động vật nhiễm cúm A/H5N1.

Tại tỉnh Long An từ tháng 8.2024 đến 16.9.2024, tại vườn thú Mỹ Quỳnh đã có 30 con hổ và sư tử bị chết (27 con hổ và 3 con sư tử). Trong số đó, có 3 con hổ mới nhập về từ Công ty TNHH khu du lịch sinh thái Vườn Xoài (Đồng Nai) ngày 6.9.2024, những cá thể còn lại có nguồn gốc tại vườn thú.

Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương đã ban hành Phiếu trả lời kết quả xét nghiệm số 6460/CĐ-XN về phát hiện virus cúm gia cầm A/H5N1 trên mẫu bệnh phẩm của loài hổ được lấy mẫu tại vườn thú ngày 16.8.2024.

Còn tại tỉnh Đồng Nai, Chi cục Thú y vùng VI tại khu du lịch sinh thái Vườn Xoài cho biết, có 11 cá thể hổ Bengal (Panthera tigris) và 1 cá thể báo đen (Panthera pardus) đã chết. Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y TP Biên Hòa đã thực hiện kiểm tra lâm sàng và mổ khám ngẫu nhiên với 2 cá thể hổ chết nêu trên, bước đầu chẩn đoán 2 cá thể hổ Bengal chết nghi do viêm phổi. Hiện chưa có kết quả xét nghiệm nguyên nhân.

Kiểm tra trên người, hiện chưa ghi nhận người tiếp xúc gần có triệu chứng viêm hô hấp. Tại tỉnh Long An xác định có 3 nhân viên vườn thú Mỹ Quỳnh tiếp xúc trực tiếp hổ và tại tỉnh Đồng Nai có 30 người tiếp xúc với hổ.

Trước sự việc trên, Viện Pasteur TPHCM thông báo phối hợp cùng ngành Thú y và Kiểm lâm nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm sang người; Điều tra, xác định người tiếp xúc gần để theo dõi sức khỏe, bao gồm cả nhân viên trực tiếp chăm sóc thú và người có liên quan; Truyền thông phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm tại khu vực có nguy cơ; Thành lập đoàn giám sát và báo cáo cấp có thẩm quyền về tình hình nguy cơ dịch bệnh cúm A/H5N1 trên địa bàn.

Nguồn: laodong.vn

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi