HOTLINE

SỐ CA MẮC SỞI TĂNG CAO TRONG 3 THÁNG ĐẦU NĂM 2024

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính qua đường hô hấp do virus sởi gây nên, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cũng như để lại những gánh nặng về y tế, đặc biệt ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh có thể diễn biến lành tính với biểu hiện thường gặp là sốt, viêm long hô hấp, tiêu hóa, kết mạc mắt và phát ban theo trình tự sau đó ban bay và hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên nhiều trường hợp có biến chứng như: viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy… thậm chí tử vong [1]. 

Biến chứng bệnh sởi ở trẻ em

Bộ Y tế dẫn thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, gần đây WHO đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Theo dữ liệu của WHO, tại khu vực châu Âu, số ca mắc bệnh năm 2023 là hơn 300.000 ca, tăng hơn 30 lần so với năm 2022. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc bệnh sởi đã tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023 [2].

Ở Việt Nam, tỉ lệ mắc sởi đã giảm rõ rệt nhờ có vắc xin sởi được tiêm phòng rộng rãi, tần suất mắc mới khoảng 116,5/1triệu dân [3]. Tuy vậy, thỉnh thoảng vẫn có những vụ dịch lớn. Năm 2015, bệnh sởi bùng phát ở Hà Nội với 60 nghìn trẻ mắc và 150 trẻ tử vong. Hầu hết các trường hợp nhập viện gặp ở trẻ dưới 12 tháng tuổi và chưa chủng ngừa [4]. Hiện nay, tử vong do bệnh sởi rất hiếm, tuy nhiên tỉ lệ biến chứng vẫn còn cao trong đó viêm phổi và tiêu chảy là 2 biến chứng thường gặp nhất [5].

Theo WHO, tại Việt Nam, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong thời gian qua và việc gián đoạn cung ứng các vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng các vaccine cho trẻ em trên toàn quốc. Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vaccine trong những năm gần đây là yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh bao gồm sởi. Bộ Y tế cho biết, theo dữ liệu của hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm đến nay ghi nhận rải rác 42 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh, thành phố; không ghi nhận ổ dịch tập trung [2].

 

Tiêm vắc xin cho trẻ em để phòng bệnh sởi

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do virus sởi gây nên. Để chủ động phòng bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân:

- Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vaccine sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vaccine phòng sởi.

- Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

- Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Trần Thùy Dương/Khoa Kiểm soát bệnh tật

[1]. Gregory Hussey (2008), “Measles”, Nutrition and Health in Developing Countries, pp. 163-176

[2]. https://dangcongsan.vn/y-te/da-ghi-nhan-42-ca-mac-benh-soi-661588.html

[3]. Do LP, Van TTT, Nguyen DTM, et al.  (2021) Epidemiological and molecular characteristics of a measles outbreak in northern Vietnam, 2013-2014. J Clin Virol;139:104840.

[4]. Kien VD, Van Minh H, Giang KB, et al (2017) Trends in childhood measles vaccination highlight socioeconomic inequalities in Vietnam. Int J Public Health. 62(Suppl 1):41-49.

[5]. Marufu T, Siziya S, Murugasampillay S, et al. (1997).  Measles complications: the importance of their management in reducing mortality attributed to measles. Cent Afr J Med.;43(6):162-5.

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi