Vắc xin sởi: Lá chắn bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Sự ra đời của vắc xin sởi đã tạo nên bước ngoặt lớn trong lịch sử y học dự phòng, mang lại hiệu quả vượt trội trong việc kiểm soát và phòng ngừa bệnh sởi trên toàn cầu.

Ảnh: Tiêm vắc xin sởi là biện pháp chủ động phòng bệnh sởi tốt nhất

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi (thuộc họ Paramyxoviridae) gây ra. Vi rút lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp, chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, họng của người bệnh.Sởi có khả năng bùng phát thành dịch lớn, đặc biệt tại những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, thậm chí tử vong, đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ.

Trước năm 1963, khi vắc xin sởi chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng, các đợt dịch sởi lớn thường xảy ra định kỳ hai đến ba năm một lần, ước tính gây ra khoảng 2,6 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu. Nhờ vào việc đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin sởi, số ca tử vong do căn bệnh này đã giảm đáng kể. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số người tử vong do sởi đã giảm từ 800.062 ca vào năm 2000 xuống còn 107.500 ca vào năm 2022. Vắc xin sởi cũng đã giúp ngăn chặn khoảng 60 triệu ca tử vong trên toàn cầu trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2023. Đây là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả bảo vệ vượt trội của vắc xin.

Theo WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), hai liều vắc xin sởi có hiệu quả lên tới 97% trong việc phòng ngừa bệnh. Khi hơn 95% dân số được tiêm chủng, miễn dịch cộng đồng sẽ được thiết lập. “Hàng rào” này giúp ngăn chặn sự lây lan của vi rút và bảo vệ gián tiếp cho những người không thể tiêm chủng, như trẻ sơ sinh hoặc người suy giảm miễn dịch.

Tại Việt Nam, vắc xin sởi được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia. Theo Thông tư số 10/2024/TT-BYT của Bộ Y tế, trẻ em bắt buộc phải tiêm mũi vắc xin sởi đầu tiên khi đủ 9 tháng tuổi và mũi thứ hai lúc 18 tháng tuổi. Mũi thứ hai này giúp tăng cường miễn dịch và hình thành kháng thể bảo vệ lâu dài. Để bảo vệ cộng đồng, đặc biệt là trẻ em, việc duy trì tỷ lệ tiêm chủng trên 95% là yếu tố then chốt. Phụ huynh cần chủ động đưa trẻ đi tiêm đúng lịch và đủ liều để bảo vệ sức khỏe của con em mình và góp phần xây dựng cộng đồng khỏe mạnh.

Tài liệu tham khảo:

[1] Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - Measles: https://www.who.int/health-topics/measles

[2] Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) - Measles (Rubeola): https://www.cdc.gov/measles/about/questions.html

[3] WHO - Measles Fact Sheet: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/measles

[4] History of Vaccines - How Herd Immunity Works: https://historyofvaccines.org/vaccines-101/what-do-vaccines-do/how-herd-immunity-works/

[5] WHO - Measles cases surge worldwide, infecting 10.3 million people in 2023: https://www.who.int/news/item/14-11-2024-measles-cases-surge-worldwide--infecting-10.3-million-people-in-2023

Nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi