Sốt xuất huyết Dengue (SXH), là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của vùng nhiệt đới lây qua trung gian muỗi vằn. Mỗi năm Thành phố Hồ chí Minh có hàng chục nghìn trường hợp mắc bệnh và hàng chục trường hợp tử vong. Trong thực tế, nơi sinh sản của muỗi hình thành từ nếp sinh hoạt của cư dân. Hành động của mỗi người mỗi nhà là yếu tố quan trọng góp phần quan trọng cho việc phòng chống thành công bệnh SXH.
Từ ngày 22/05 – 15/06/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã thực hiện giám sát hoạt động phòng chống bệnh SXH ở 25 phường xã, thị trấn thuộc 17 quận huyện, thành phố Thủ Đức. Kết quả giám sát ghi nhận 47 điểm có lăng quăng trong tổng số 85 điểm được giám sát, chiếm tỷ lệ 55,2%. Trong số 9 điểm nguy cơ là hộ gia đình thì có đến 7 điểm có lăng quăng, chiếm tỷ lệ 78%. Những số liệu này cho thấy nguy cơ sốt xuất huyết xuất hiện rải rác trên toàn thành phố và ở ngay trong những hộ gia đình.
Chúng ta thường biết đến nơi sinh sản của muỗi là các dụng cụ dự trữ nước sinh hoạt như hồ, phuy, lu… hoặc như bình bông, chén nước cúng v.v… Nhưng cũng còn rất nhiều đồ vật, vị trí quen thuộc khác trong khuôn viên hộ gia đình cũng có thể là nơi sinh sản của muỗi mà chúng ta ít khi nghĩ đến.
Đó là những đồ vật lâu ngày không dùng đến bị vứt bỏ xung quanh nhà sẽ là nơi sinh sản lý tưởng của muỗi SXH khi mùa mưa đến.
Hình ảnh chụp tại phường Tân Quý, quận Tân phú ngày 30/5/2023 và phường 15 - Quận 8 ngày 24/5/2023
Chỉ cần một ít nước đọng trong xô, chậu bị bỏ quên cũng trở thành một ổ lăng quăng. Hay thậm chí, ít ai ngờ rằng khay hứng nước từ tủ lạnh, quạt hơi nước, bình nước nóng lạnh hay từ máy điều hòa nhiệt độ đều có khả năng trở thành ổ lăng quăng của muỗi SXH.
Hình ảnh chụp tại một hộ dân ở quận Tân Phú ngày 30/5/2023
Đoàn giám sát của HCDC phát hiện ổ lăng quăng trong khay chứa của quạt hơi nước trong một nhà dân tại Quận 10 ngày 14/6/2023
Còn tại những hộ gia đình thực hiện chăn nuôi hoặc nuôi thú cưng thì các ly nước, máng nước uống cho gia cầm hoặc thú cưng cũng là thường có lăng quăng nếu không được súc rửa đúng cách
Hình ảnh chụp tại phường 9 quận Gò Vấp ngày 31/5/2023
Có thể nói sự phát triển của muỗi truyền bệnh SXH gắn liền với mọi sinh hoạt của người dân. Vì vậy chỉ khi mỗi người, mỗi nhà chủ động truy tìm và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi thì dịch bệnh SXH mới được kiểm soát. Vậy còn chần chờ gì nữa, bạn hãy dành 15 phút mỗi tuần thôi, tìm và xử lý những vật chứa có thể đọng nước tại chính ngôi nhà của bạn. Không cho muỗi đẻ, giảm số lượng muỗi sẽ giảm được sự lây truyền bệnh, giảm số ca bệnh, bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC)