Thời gian vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận những cơn mưa trái mùa, đây là điều kiện thuận lợi để trứng muỗi từ cuối mùa mưa năm trước có cơ hội nở làm tăng sinh mật độ muỗi gây bệnh sốt xuất huyết.

Trong 7 tuần đầu năm 2025 (đến hết ngày 16/02/2025), trên địa bàn quận Tân Bình đã ghi nhận 113 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 276,67% so với cùng kỳ năm 2024 (7 tuần đầu năm 2024 chỉ ghi nhận 30 ca bệnh).
Để chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trước khi bước vào giai đoạn mùa mưa, người dân không được chủ quan và cần chủ động phát hiện, triệt nơi sinh sản của muỗi bằng các biện pháp như sau:
1. Ngăn cản muỗi tiếp xúc với nguồn nước: Che, đậy kín vật chứa nước bằng vật liệu mà muỗi không bay qua được.

2. Sử dụng thiên địch của lăng quăng: Thả các loại cá ăn lăng quăng, bọ nước vào dụng cụ chứa nước không phục vụ mục đích sinh hoạt.
3. Sử dụng hóa chất để diệt lăng quăng: sử dụng các loại hóa chất rải vào các khu vực đọng nước để diệt lăng quăng. Lưu ý khi sử dụng hóa chất này phải có hướng dẫn của nhân viên y tế.
4. Không để các vật có thể chứa nước bị đọng nước: Lật úp các vật chứa nước, đục lỗ, khơi thông dòng chảy, làm bằng phẳng các nơi bị đọng nước, che chắn tránh nước mưa.
5. Loại bỏ vật chứa nước: Loại bỏ phế liệu, thu gom rác thải có thể trở thành môi trường sống của muỗi.
6. Thường xuyên vệ sinh, làm sạch vật chứa nước: Thay nước định kỳ không quá 7 ngày 1 lần.
7. Thay đổi hình thức trữ nước: Sử dụng trực tiếp từ vòi hoặc bồn chứa có nắp đậy kín.

Bệnh sốt xuất huyết có thể phòng ngừa bằng các biện pháp đơn giản mà hiệu quả cao. Bên cạnh việc tiêm vắc xin, người dân luôn phải tự nâng cao ý thức phòng bệnh và thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo của ngành y tế. Trong đó, triệt nơi sinh sản của muỗi là một biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất mà tất cả các ban ngành, đoàn thể, đơn vị và người dân đểu có thể thực hiện.
Lê Thị Châu An/ Khoa Kiểm soát bệnh tật