HOTLINE

Đắk Lắk ghi nhận gần 1.000 ca mắc sốt xuất huyết

SKĐS - Ngày 29/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, chỉ trong một tuần đã ghi nhận gần 200 ca mắc sốt xuất huyết, nâng tổng số ca từ đầu năm đến nay lên 936 người.

Trong đó, TP. Buôn Ma Thuột và huyện Cư Mgar là 2 địa phương hiện có số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất với tổng số trên 400 trường hợp. TP. Buôn Ma Thuột 277 trường hợp; huyện Cư Mgar 176 bệnh nhân.

Ông Trần Ngọc Tâm, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Quảng Phú (huyện Cư Mgar) cho biết, dù là địa bàn trung tâm huyện nhưng thời gian qua số ca mắc bệnh sốt xuất huyết ở địa phương liên tục gia tăng. Đây là con số đáng báo động, đòi hỏi người dân cần phải cảnh giác với dịch bệnh này.

Ngành Y tế Đắk Lắk tăng cường các biện pháp diệt muỗi tại các khu dân cư. Ảnh: Đình Thi.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, ngành y tế Đắk Lắk đang tiến hành điều tra, xác minh dịch tễ về ca mắc, giám sát véc-tơ truyền bệnh tại khu vực bệnh nhân trú. Tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực giám sát, chẩn đoán, điều trị, giám sát phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch. Truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, cách ly, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị hiệu quả các ca bệnh, tránh lây nhiễm chéo, hạn chế thấp nhất tử vong.

Đồng thời, khuyến cáo người dân cần chủ động vệ sinh xung quanh nhà cửa, diệt lăng quăng, bọ gậy, ngủ màn… Nếu thấy có biểu hiện sốt cao li bì, đau mỏi, người bệnh cần tới cơ sở y tế để được phát hiện và điều trị sớm tránh biến chứng nguy hiểm.

BS Võ Minh Hùng, Giám đốc TTYT TP. Buôn Ma Thuột cho biết, sốt xuất huyết có chiều hướng diễn biến phức tạp, nhưng địa phương chưa ghi nhận trường hợp nào bị chuyển biến nặng dẫn đến tử vong. Nguyên nhân sốt xuất huyết gia tăng do những ngày qua điều kiện thời tiết ẩm thấp, mưa nhiều là môi trường thuận lợi cho muỗi vằn phát triển và truyền bệnh.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết Bộ Y tế khuyến cáo người dân:

  • Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
  • Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
  • Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
  • Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày.
  • Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.
  • Khi bị sốt, xuất huyết… đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi