HOTLINE

Nhập viện ngay khi có dấu hiệu trở nặng bệnh Sốt xuất huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh Sốt xuất huyết (SXH). Việc phát hiện sớm dấu hiệu trở nặng của bệnh và chuyển đến bệnh viện kịp thời giúp giảm tỷ lệ tử vong do SXH nặng xuống dưới 1%. Trước tình hình số ca mắc và tử vong do SXH gia tăng như hiện nay. Ngành Y tế khuyến cáo người dân cần đến bệnh viện ngay khi có bất kỳ dấu hiệu trở nặng của bệnh SXH.

Thống kê trên thế giới cho thấy tỷ lệ mắc bệnh SXH đã tăng lên đáng kể với khoảng một nửa dân số thế giới đang có nguy cơ mắc bệnh. Đối với người bệnh SXH, các triệu chứng có thể nhẹ hoặc nặng. Các triệu chứng nhẹ của bệnh SXH có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác gây sốt, đau nhức hoặc phát ban. Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh SXH là sốt kèm bất kỳ triệu chứng như: buồn nôn, nôn, phát ban, đau và nhức hố mắt, đau cơ, khớp hoặc xương… Các triệu chứng này thường kéo dài từ 2-7 ngày. Hầu hết người bệnh sẽ hồi phục sau khoảng 1 tuần. Tuy nhiên nếu bệnh nặng có thể đe dọa tính mạng trong vòng vài giờ và thường phải được chăm sóc tại bệnh viện.

 Theo WHO, một bệnh nhân SXH bước vào giai đoạn nguy hiểm của bệnh thường khoảng 3-7 ngày sau khi phát bệnh. Tại thời điểm này, khi bệnh nhân đang hạ sốt, các dấu hiệu cảnh báo liên quan đến SXH trở nặng có thể biểu hiện. Điều này báo hiệu một biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong do việc thoát huyết tương, cô đặc máu, suy hô hấp, xuất huyết nghiêm trọng hoặc suy đa cơ quan.

 Thực tế tại TP.HCM cho thấy trong số các ca tử vong do Sốt xuất huyết trước đây đã từng ghi nhận trường hợp một bệnh nhi, 8 tuổi tử vong tại bệnh viện Nhi đồng 1 với chẩn đoán ngưng tim ngưng thở trước nhập viện - Sốc sốt xuất huyết Dengue ngày 6 - Tổn thương đa cơ quan. Theo báo cáo tại bệnh viện cho biết từ ngày 1 đến ngày 3 của bệnh, bệnh nhi có biểu hiện sốt cao liên tục, có đáp ứng với thuốc hạ sốt, không ho, không sổ mũi. Đến ngày 4-5 của bệnh, bệnh nhi còn sốt kèm ói nhiều, đau bụng và mệt nhiều. Bệnh nhi được đưa đến bệnh viện Nhi đồng 1 để điều trị trong tình trạng bệnh đã rất nặng. Mặc dù các bác sĩ đã cố gắng cứu chữa nhưng bệnh nhi không thể qua khỏi và tử vong.

 Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ), khoảng 1/20 người mắc SXH sẽ tiến triển thành SXH nặng và có thể gây sốc, xuất huyết hay thậm chí tử vong. Nếu bạn đã từng mắc SXH trước đây, bạn có nhiều khả năng bị SXH nặng. Đặc biệt ở trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai thì nguy cơ mắc SXH nặng sẽ cao hơn. Do đó, việc theo dõi các dấu hiệu cảnh báo bệnh SXH trở nặng là vô cùng quan trọng để kịp thời đưa bệnh nhân đến bệnh viện điều trị. Các dấu hiệu cảnh báo này thường bắt đầu trong 24–48 giờ sau khi hết sốt. CDC Hoa Kỳ khuyến cáo hãy đến bệnh viện ngay khi người bệnh SXH có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:

- Đau bụng

- Nôn (ít nhất 3 lần trong 24 giờ)

- Chảy máu mũi hoặc nướu răng

- Nôn ra máu hoặc có máu trong phân

- Cảm thấy mệt mỏi, bồn chồn hoặc dễ bị kích thích.

 Thủy Tiên - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM

Nguồn:

[1] https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/dengue-and-severe-dengue

[2] https://www.cdc.gov/dengue/symptoms/index.html#anchor_1555426819180

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi