HOTLINE

Tình hình dịch bệnh Sốt xuất huyết, Tay chân miệng cập nhật đến tuần 45 (tính đến ngày 06/11/2022)

Số ca mắc Sốt xuất huyết trong tuần 45/2022 giảm 21,7% so với trung bình 4 tuần trước, tuy nhiên vẫn đang ở mức cao so với cùng kỳ các năm. Số ca tử vong tính trong năm nay đã là 29 trường hợp.

Tình hình dịch bệnh Sốt xuất huyết Dengue (SXH)

Tính đến tuần 45, Thành phố ghi nhận 72.091 trường hợp mắc bệnh SXH tăng hơn 7 lần với cùng kỳ năm 2021. Số ca SXH nặng là 1.670 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết đến tuần 45 là 2,3% tăng hơn 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong tuần 45 (từ ngày 31/10/2022 đến 06/11/2022), Thành phố ghi nhận 1.605 ca bệnh SXH, giảm 21,7% so với trung bình 4 tuần trước, số ca nội trú giảm 21,7% và ngoại trú giảm 21,8%.

Trong tuần 45, không ghi nhận báo cáo trường hợp tử vong do SXH Dengue. Tổng số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay là 29 trường hợp, tăng 24 ca so với cùng kỳ năm 2021.

Tình hình dịch bệnh Tay chân miệng (TCM)

Tính đến tuần 45, thành phố ghi nhận 17.392 trường hợp mắc bệnh Tay chân miệng. Trong tuần 45 (từ ngày 31/10/2022 đến 06/11/2022), thành phố ghi nhận thêm 355 ca bệnh Tay chân miệng, giảm 18,4% so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong đó số ca bệnh giảm ở các trường hợp khám ngoại trú và giảm các trường hợp nhập viện điều trị nội trú.

Các ổ dịch SXH và TCM

Trong tuần 45 toàn thành phố ghi nhận 78 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 46 phường, xã thuộc 16/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức; tăng 03 ổ dịch mới so với tuần 44.

Tổng số ổ dịch được xử lý phun hoá chất trong tuần là 157 ổ dịch và có 01 phường, xã xử lý ổ dịch diện rộng. Có tổng cộng 206 lượt thực hiện diệt lăng quăng tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ tại 106 phường, xã thuộc 20/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức.

Trong tuần 45 toàn thành phố không ghi nhận ổ dịch Tay chân miệng mới. Số ổ dịch Tay chân miệng tích lũy đến tuần 45 năm 2022 là 85 ổ dịch.

Khuyến cáo về việc phòng chống bệnh cúm mùa

Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, do đó nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa (bao gồm cả cúm A và cúm B). Triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

2. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

3. Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

4. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

5. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Phạm Thị Huệ – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC)

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi