HOTLINE

Xử lý các điểm làm phát sinh lăng quăng nhờ phản ánh trên ứng dụng Y tế trực tuyến

Với ứng dụng “Y tế trực tuyến”, người dân TP.HCM sẽ chung sức cùng nhân viên y tế phòng, chống Sốt xuất huyết thông qua cách “chỉ điểm” các điểm nguy cơ làm phát sinh lăng quăng, muỗi gây bệnh. Chỉ trong vòng 48 giờ, sau khi nhận thông tin, các điểm nguy cơ này sẽ được chính quyền địa phương xử lý.

Hiện nay, đã có 83 điểm nguy cơ sốt xuất huyết được phản ánh qua ứng dụng "Y tế trực tuyến" và đã được xử lý triệt để. Nội dung phản ánh chủ yếu ở các điểm công trình, xưởng chứa vỏ xe, bãi phế liệu, bãi rác tồn động nước trở thành nguồn sinh sản lăng quăng và muỗi vằn gây bệnh. Ngoài ra, còn những địa điểm có nhiều người sốt không rõ nguyên nhân cần được xem xét và xử lý đúng theo hướng dẫn phòng dịch.

Với ứng dụng Y tế trực tuyến, người dân có thể “chỉ điểm” đơn giản các ổ dịch xung quanh nơi sinh sống

Trước đó, theo HCDC ghi nhận, cũng nhờ ứng dụng này, UBND xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) kiểm tra 16 cơ sở và hộ gia đình, trong đó có 6 cơ sở kinh doanh không thực hiện vệ sinh môi trường để phát sinh lăng quăng, đồng thời lập biên bản vi phạm hành chính xử phạt tổng số tiền 12 triệu đồng.

Ông Nguyễn Phước Thành - phó chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng - cho biết: "Ứng dụng kết nối trực tiếp người dân với chính quyền địa phương, khi có vấn đề, phường sẽ xử lý ngay giúp đẩy nhanh tiến độ dập dịch nhanh chóng và hiệu quả hơn rất nhiều".

Cùng nằm trên địa bàn, xã Bà Điểm cũng là một trong những điểm nóng phát sinh dịch sốt xuất huyết. Địa phương cũng là nơi điển hình áp dụng ứng dụng này trong quản lý, khoanh vùng dập dịch. 

Khẳng định ứng dụng mang đến nhiều hiệu quả trong chống dịch, bà Lưu Thanh Vân - phó chủ tịch UBND xã Bà Điểm - nói rằng để khích lệ tinh thần, địa phương còn xem xét đề xuất khen thưởng người dân tích cực hỗ trợ công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Theo BSCK2. Nguyễn Thanh Trang, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Tân Bình chia sẻ. “Ứng dụng y tế trực tuyến này là ứng dụng rất thuận tiện và rất dễ cài đặt. Hiện nay ứng dụng đang được giới thiệu và triển khai rộng rãi trên toàn ngành y tế.. Ứng dụng này rất tốt khi người dân gửi phản ánh, người dân cũng nhận được phản hồi là phản ánh đó đã được nhận chưa, đã được chuyển chưa và sau khi kết quả xử lý như thế nào thì người dân cũng được biết. Điều đó có nghĩa là người dân có thể tham gia giám sát và nắm được quá trình thực hiện của các cơ quan”.

 

Phản ánh ổ dịch ra sao?

Quy trình xử lý thông tin phản ánh của người dân về các nơi có nguy cơ trở thành ổ dịch lây lan bệnh sốt xuất huyết gồm 6 bước.

- Nhắn tin, chụp hình, quay video phản ánh qua ứng dụng "Y tế trực tuyến".

- Thông tin tự động chuyển đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC). Trung tâm sẽ chuyển thông tin đến UBND quận, huyện và TP Thủ Đức xử lý (Phòng Y tế)

- UBND địa phương và HCDC khảo sát và xử lý ổ muỗi và lăng quăng tại những địa chỉ do người dân phản ánh trong vòng 48 giờ và phản hồi về Sở Y tế.

- Sở Y tế chuyển ngay thông tin về kết quả xử lý đến người dân đã phản ánh qua ứng dụng. Văn phòng Sở Y tế cập nhật thông tin hằng tuần về các phản ánh công khai trên cổng thông tin điện tử của đơn vị.

Tin và ảnh: Phú Khánh - HCDC

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi