HOTLINE

Tình hình dịch bệnh Sốt xuất huyết, Tay chân miệng cập nhật đến tuần 38 (tính đến ngày 18/9/2022)

Tình hình dịch bệnh Sốt xuất huyết Dengue (SXH)

Tính đến tuần 38, Thành phố ghi nhận 56.870 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng hơn 6,5 lần với cùng kỳ năm 2021, với số ca sốt xuất huyết nặng là 1.223 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc hơn 2%, tăng hơn 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong tuần 38 (từ ngày 12/9/2022 đến 18/9/2022), Thành phố ghi nhận 2.657 ca bệnh SXH, giảm 2,8% so với trung bình 4 tuần trước, số ca nội trú giảm 21% và ngoại trú tăng 17%. Hầu hết các quận huyện đều có số mắc giảm so với số mắc trung bình 4 tuần trước.

Trong tuần 38, ghi nhận 01 trường hợp tử vong do SXH tại huyện Nhà Bè. Bên cạnh đó, báo cáo bổ sung 03 ca tử vong do SXH tại Quận 4, Gò Vấp và KV2-TP. Thủ Đức từ những tuần trước. Tổng số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay là 23 trường hợp, tăng 19 ca so với cùng kỳ năm 2021.

Tình hình dịch bệnh Tay chân miệng (TCM)

Tính đến tuần 38, thành phố ghi nhận 14.239 trường hợp mắc bệnh Tay chân miệng. Trong tuần 38 (từ ngày 12/9/2022 đến 18/9/2022), thành phố ghi nhận thêm 508 ca bệnh tay chân miệng, tăng hơn 28% so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong đó số ca bệnh tăng ở các trường hợp khám ngoại trú và giảm các trường hợp nhập viện điều trị nội trú.

Các ổ dịch SXH và TCM

Trong tuần 38 toàn thành phố ghi nhận 153 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 91 phường, xã thuộc 20/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức; giảm 03 ổ dịch mới so với tuần 37.

Tổng số ổ dịch được xử lý phun hoá chất trong tuần là 310 ổ dịch và có 05 phường, xã nào xử lý ổ dịch diện rộng. Có tổng cộng 355 lượt thực hiện diệt lăng quăng tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ tại 155 phường, xã thuộc 22/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức.

Trong tuần 38 toàn thành phố không ghi nhận ổ dịch Tay chân miệng mới. Số ổ dịch tích luỹ đến tuần 38 năm 2022 là 66 ổ dịch.

Khuyến cáo phòng, chống Sốt xuất huyết, Tay chân miệng:

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Đến nay, bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng muỗi đốt. Mỗi hộ gia đình, cơ quan, xí nghiệp cần dành thời gian từ 15-30 mỗi tuần để tìm và xử lý các vật chứa đọng nước có thể phát sinh lăng quăng.

Khi bước vào năm học mới, bệnh Tay chân miệng sẽ có khuynh hướng gia tăng. Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, giảm đến mức thấp nhất số trường hợp mắc, tử vong, không để dịch bùng phát, người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp 3 sạch: giữ bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch, ăn uống sạch, ở sạch. Giữ bàn tay sạch lưu ý việc rửa tay thường xuyên cần được thực hiện ở cả trẻ em và người chăm sóc trẻ.

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi