PNO - Thông thường, sau đợt nắng nóng dài thì sẽ có những cơn mưa đầu mùa, dễ gây bệnh cảm cúm, bệnh về hô hấp…
Bác sĩ chuyên khoa 1 Trương Thị Ngọc Phú - Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM - cho biết những ngày qua, số lượng bệnh nhi được đưa đến bệnh viện thăm khám đang tăng nhẹ. 3 nhóm bệnh thường gặp trong giai đoạn này là nhiễm trùng đường tiêu hóa, bệnh hô hấp do siêu vi, gặp nhiều ở bệnh viêm da, nhọt da.
Đa số bệnh liên quan đến thời tiết nắng nóng, bệnh viện đã có kế hoạch từ trước vì vậy đang kiểm soát tốt lượng bệnh. Phụ huynh cần lưu ý trong chăm sóc trẻ trong điều kiện thời tiết nắng nóng, là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, vi rút tấn công sức khỏe trẻ. Hệ miễn dịch trẻ con khác với người lớn, kèm theo đó trẻ con thường chạy chơi nhiều, ít chủ động uống nước, dẫn đến tình trạng mất nước, điện giải.
Người lớn cần nhắc nhở, chuẩn bị nước cho con khi đi học, đi chơi, đảm bảo trẻ được bổ sung nước đầy đủ, nhất là những loại nước uống giàu khoáng chất, nước trái cây… Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh, tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, nước ngọt có gas. Chế biến và bảo quản thức ăn đảm bảo an toàn vệ sinh.
Bên cạnh đó, cho trẻ mặc đồ thoáng mát, nếu tham gia hoạt động ngoài trời quá lâu, hướng dẫn trẻ cách tận dụng bóng râm để tránh nắng. Đặc biệt không sử dụng đồ ăn, thức uống bán ngoài đường phố, vỉa hè để tránh nguy cơ rối loạn tiêu hóa, ngộ độc.
Tập cho trẻ thói quen mang khẩu trang, áo khoác khi ra đường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, dung dịch rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh giúp loại bỏ những tác nhân gây bệnh.
Hạn chế lạm dụng máy lạnh ở nhiệt độ thấp, nên tắt máy lạnh khoảng 10-15 phút trước khi ra ngoài nhằm hạn chế tối đa sự chênh lệch nhiệt độ, đề phòng trẻ bị sốc nhiệt, viêm phổi, viêm phế quản.
Thông thường, sau đợt nắng nóng dài thì sẽ có những cơn mưa đầu mùa, dễ gây bệnh cảm cúm, bệnh về hô hấp… Vì vậy, phụ huynh nên cho trẻ tiêm vắc xin cúm, phế quản đầy đủ để chủ động phòng bệnh.
Nguồn: Phạm An - phunuonline.com.vn