Cận thị là tật khúc xạ phổ biến nhất ở lứa tuổi học sinh. Nếu không điều trị đúng cách có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập, sinh hoạt và sự phát triển toàn diện của trẻ. Hướng dẫn trẻ ngồi học đúng tư thế, bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A, C, E, chất khoáng, đưa trẻ đi khám mắt định kỳ, … để phòng ngừa và phát hiện sớm cận thị.
Bên cạnh yếu tố di truyền, có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến cận thị ở lứa tuổi học đường như điều kiện học tập, không gian sống không đảm bảo hoặc sử dụng các thiết bị điện tử liên tục trong thời gian dài.
Kích cỡ bàn ghế không phù hợp với lứa tuổi, tư thế ngồi học của trẻ không đúng, nằm rạp xuống bàn làm bài khi mệt mỏi; hoặc phòng học không được bố trí đúng hướng, không đủ ánh sáng, khiến trẻ phải điều tiết thị lực liên tục dẫn tới việc căng, mỏi mắt, lâu dần thành cận thị. Một số gia đình do điều kiện nhà ở chật hẹp, trẻ thường phải xem tivi ở khoảng cách quá gần cũng làm cho thị lực bị suy giảm.
Bên cạnh đó, với sự phát triển của công nghệ, trẻ sớm được tiếp xúc và sử dụng các thiết bị điện tử để đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí, khiến cho mắt phải điều tiết ở cự ly gần trong thời gian dài dẫn đến mỏi mắt, cận thị.
Trẻ nhỏ thường không hiểu rõ cận thị là gì hoặc do tâm lý sợ hãi nên không nói với bố mẹ, dẫn đến khi đi khám mắt thì có thể trẻ đã cận thị nặng. Vì thế, các bậc phụ huynh cần chú ý, quan tâm đến các biểu hiện của trẻ để kịp thời phát hiện cận thị.
Hãy đưa trẻ đến khám tại bệnh viện, phòng khám chuyên khoa mắt khi nghi ngờ trẻ bị cận thị với các dấu hiệu như nheo mắt, nghiêng đầu khi nhìn vật ở xa; tiến lại gần khi xem tivi hoặc bảng; cúi mặt khi đọc sách, viết bài; trẻ viết sai, viết thiếu nhiều chữ hoặc phải chép bài của bạn; chớp mắt, dụi mắt không buồn ngủ và thấy mỏi mắt, nhức mắt, đau đầu khi học bài, đọc sách.
Làm thế nào để phòng ngừa và phát hiện sớm cận thị học đường?
Cận thị học đường có thể phòng ngừa thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa học sinh, gia đình và nhà trường.
Trong học tập, cần hướng dẫn trẻ ngồi học đúng tư thế (thẳng lưng, mắt cách mặt chữ 30cm), không nằm, quỳ khi đọc sách hoặc viết bài. Đảm bảo môi trường học tập đủ ánh sáng, kích cỡ bàn ghế phù hợp lứa tuổi học sinh. Hướng dẫn trẻ không đọc sách báo, tài liệu khi đang đi trên ô tô, tàu hỏa, máy bay.
Trong sinh hoạt, cần hướng dẫn trẻ ngồi cách xa màn hình tối thiểu 2,5m khi xem tivi và thời gian xem cần ngắt quãng, không quá 45 phút mỗi lần xem. Thường xuyên cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời, điều này không chỉ tốt cho mắt mà còn tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Tuy nhiên, cần lưu ý khi đi ra ngoài nên che chắn cho mắt để hạn chế ánh sáng mạnh chiếu trực tiếp vào mắt. Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A, C, E, chất khoáng như thịt, cá, trứng, rau củ, trái cây tươi, … trong bữa ăn hàng ngày của trẻ.
Bên cạnh đó, cần đưa trẻ đi khám mắt định kỳ tại các cơ sở uy tín để phát hiện sớm tật khúc xạ và có phương pháp điều trị kịp thời, không tự ý cắt kính hoặc đeo kính không đúng tiêu chuẩn.
Khoa SKMT-YTTH, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh