SKĐS - Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, nhiều trường hợp học sinh phải cấp cứu vì bị ngộ độc nicotine và các dung dịch có trong các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.
Ngày 24/4, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã ký ban hành công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha.
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, qua phản ánh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục và phương tiện thông tin đại chúng cho thấy hiện nay việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDs), thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco Product - HTPs) đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng đặc biệt trong đối tượng học sinh.
Nhiều trường hợp các em học sinh phải cấp cứu vì bị ngộ độc nicotine và các dung dịch có trong các sản phẩm này. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, bên cạnh các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, còn nguy cơ tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và lối sống của thanh thiếu niên, đồng thời gây ra các tác hại trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế, xã hội.
Để kịp thời ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thời gian qua, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTH thuốc lá) – Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các Tổ chức quốc tế, cơ quan truyền thông và các đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về tác hại của các sản phẩm này.
Để tiếp tục tăng cường truyền thông ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá nói chung và các sản phẩm thuốc lá mới, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế thực hiện một số nội dung, cụ thể như sau:
Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản chỉ đạo các Sở ban, ngành, các cơ quan truyền thông của tỉnh thường xuyên tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và kịp thời có các quy định để ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm này tại các cơ quan, công sở và đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục đào tạo; tăng cường hoạt động kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các đơn vị liên quan kịp thời phổ biến thông tin về tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tới công chức, viên 2 chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị, người dân trên địa bàn. Lồng ghép tuyên truyền tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong các cuộc họp, hội thảo, hội nghị, sự kiện của cơ quan, đơn vị, cộng đồng.
Tăng cường phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để cung cấp thông tin, và phổ biến rộng rãi về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới cho học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn quản lý.
Chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tích cực cung cấp các thông tin về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới tới người bệnh, người nhà người bệnh và người dân trong cộng đồng.
Tại hội thảo khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh 13-15 tuổi tại Việt Nam năm 2022 do Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thẳng thắn chỉ ra rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá cho thanh thiếu niên ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Cụ thể, tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới có xu hướng tăng.
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở học sinh nhóm tuổi 13-15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2014 lên 0,8% năm 2022. Bên cạnh đó, tình hình sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong giới trẻ đang có xu hướng gia tăng.
Theo đó, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trên 15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi 15 - 24 tuổi với tỷ lệ là 7,3%. Ở nhóm tuổi học sinh từ 13-15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 3,5%, trong đó học sinh nam là 4,3%, học sinh nữ là 2,8%.
Ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam thông tin sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng, trong đó rất nhiều loại hương liệu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, có thể gây cháy nổ và pha trộn các chất khác vào dung dịch (ma tuý, cần sa).
WHO đưa ra khuyến cáo, thuốc lá điện tử nguy hại hơn thuốc lá truyền thống. Nó có thể gây tác động sớm đối với sức khoẻ, hoặc gây bệnh phổi kẽ. Nếu so với căn bệnh ung thư phổi, bệnh phổi kẽ tiến triển nhanh và tiên lượng xấu hơn. Ngoài ra, thuốc lá điện tử cũng không có công dụng cai nghiện thuốc lá điếu thông thường.
Thái Bình