Luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, trong những năm gần đây, thanh thiếu niên, học sinh có xu hướng hút thuốc lá điện tử và hút thuốc lá nung nóng ngày một tăng. Có quan điểm cho rằng, hút hai loại này chỉ để nhả khói cho vui và để cai nghiện hút thuốc lá điếu truyền thống, nhưng thực tế thuốc lá điện tử chứa nhiều chất độc hại, gây nghiện, gây ra bệnh tật và dẫn tới tử vong.
Theo Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) đa phần thuốc lá điện tử có chứa Nicotine - chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư. Sử dụng nicotine quá liều gây ngộ độc. Nghiện nicotine là một trong những nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, đột quỵ.
Nicotine trong thuốc lá điện tử gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, vì não bộ của trẻ đang trong giai đoạn phát triển. Nicotine cũng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi trong thai kì, gây ra sinh non và thai chết lưu.
Những thay đổi do nicotine gây ra với hệ thần kinh trong não khiến người dùng ở nhóm tuổi trẻ dễ bị nghiện nicotine hơn, vì thế ảnh hưởng sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai.
Thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau, nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Đối tượng được các nhà sản xuất thuốc lá điện tử hướng đến là học sinh, sinh viên, nhất là giới trẻ.
Do vậy, tại Kỳ họp thứ 8, diễn ra chiều 30/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết yêu cầu Chính phủ triển khai các quy định cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng từ năm 2025. Theo đó, Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khoẻ cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể.
Như vậy, từ năm 2025 trở đi, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trở thành hàng cấm, người nào có hành vi sản xuất, buôn bán tiêu thụ thuốc lá điện tử tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật, nhân thân của người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh có liên quan.
Về xử phạt vi phạm hành chính, người (chủ thể) thực hiện hành vi kinh doanh, sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính là phạt tiền và bị áp dụng hình phạt bổ sung theo quy định tại điều 7, điều 8 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Về việc truy cứu trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 190, 191 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung với khung hình phạt cao nhất có thể tới 15 năm tù và bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Đối với pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt tiền cao nhất tới 9 tỷ đồng và bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
https://suckhoedoisong.vn/