HOTLINE

HIỂM HỌA KHÔN LƯỜNG TỪ “THUỐC LÁ ĐIỆN TỬ”, “THUỐC LÁ NUNG NÓNG”

Ngày 17/03/2023, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin trường hợp sau khi hút thuốc lá điện tử, nam 20 tuổi, bủn rủn chân tay, mất ý thức, được đưa vào viện trong tình trạng hôn mê. Khai thác tiền sử, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc, ngộ độc với các chất có trong dung dịch thuốc lá điện tử [1].

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, nhiều trường hợp học sinh phải cấp cứu trong thời gian qua vì bị ngộ độc nicotine và các dung dịch có trong các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha [2].

Hiện nay Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không quy định về các sản phẩm “thuốc lá điện tử”, “thuốc lá nung nóng”, vì vậy các sản phẩm này chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam. Các sản phẩm thuốc lá mới được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay và người tiêu dùng có thể dễ dàng mua bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá mới trên internet, các trang mạng xã hội… [3,4].

Tình hình sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam

Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh, thiếu niên Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Năm 2015 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử mới chỉ là 0,2%, thì đến năm 2019, theo điều tra của Tổ chức y tế Thế giới tại 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho thấy có đến 2,6% học sinh trong độ tuổi từ 13-17 hút thuốc lá điện tử. Tình hình sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi 13-15 vào năm 2022 là 3,6%. Những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ [5,6].

  “Thuốc lá điện tử”, “thuốc lá nung nóng” là gì?

Thuốc lá điện tử (ENDs) là thiết bị sử dụng pin làm nóng dung dịch điện tử (e-liquid) để tạo ra sol khí/khói cho người dùng hít vào, chứa chất tạo mùi, hòa tan trong Propylene Glycol hoặc/và Glycerin. Thành phần chính của dung dịch điện tử, bên cạnh nicotin, còn có propylene glycol và các chất tạo hương vị.

Có ít nhất 60 hợp chất hóa học đã được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử (còn gọi là tinh dầu) và nhiều hợp chất khác có trong sol khí/khói tạo ra từ thuốc lá điện tử. Ngoài ra, việc làm nóng các cuộn dây kim loại trong ENDS sẽ tạo ra nhiều kim loại nặng trong sol khí ENDS như cadmium, chì, niken, thiếc, mangan, selen, kẽm và đồng [3].

Thuốc lá nung nóng (HTPs): là sản phẩm sử dụng thiết bị điện tử để nung nóng điếu thuốc đến nhiệt độ đủ để tạo ra sol khí có thể hít vào, có chứa nicotin - chất gây nghiện cao và các hóa chất khác, các chất phụ gia không phải thuốc lá và thường có nhiều hương vị [3].

Các yếu tố làm gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên

Thuốc lá điện tử có rất nhiều tên gọi khác nhau như vape, thuốc lá vaporizer, e-cigs, e-hookahs, vape, bút vape, ENDS (hệ thống điện tử cung cấp nicotin), ENNDS (hệ thống phân phối không chứa nicotin). … được thiết kế đa dạng với hình dáng bắt mắt: có thể giống điếu thuốc lá truyền thống hoặc giống như bút, ổ đĩa, hình thỏi son,… Do vậy, học sinh dễ dàng sở hữu thuốc lá điện tử với đủ hình dạng có thể mang vào lớp mà không bị phát hiện [7].

Các nhà sản xuất còn sử dụng rất nhiều loại hương liệu có mùi vị như: bạc hà, táo, cam, chanh…trong thuốc lá điện tử. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện có khoảng 20.000 loại hương liệu, trong đó có nhiều loại chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại với sức khỏe. Những hương vị này có thể che giấu độ gắt của nicotin làm cho sản phẩm dễ chịu và dễ hít vào hơn. Một số hương liệu được sử dụng trong ENDS đã được chứng minh là làm tăng độc tính của sản phẩm [3].

Cùng với những lời quảng cáo: không gây hại, “văn hóa hút thuốc lành mạnh”, sành điệu, thuốc lá thế hệ mới… đã đánh trúng vào tâm lý thích thể hiện cái tôi của “tuổi mới lớn” và nhanh chóng xâm nhập vào trường học [8].

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có an toàn hơn thuốc lá điếu truyền thống?

Sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều có hại cho sức khỏe của cả người hút và người xung quanh tương tự như thuốc lá thông thường.

Thuốc lá điện tử chứa nhiều chất độc hại, gây nghiện, gây bệnh tật, tử vong. Theo Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) đa phần thuốc lá điện tử có chứa Nicotine - chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư. Sử dụng nicotine quá liều gây ngộ độc. Nghiện nicotine là một trong những nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, đột quỵ. Nicotine trong thuốc lá điện tử gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em ,vì não bộ của trẻ đang trong giai đoạn phát triển. Nicotine cũng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi trong thai kì, gây ra sinh non và thai chết lưu.

Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh trong não khiến người dùng ở nhóm tuổi trẻ dễ bị nghiện nicotine hơn, và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai.

Thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải từ nguyên liệu như thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau, nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn và đối tượng hướng đến là học sinh, sinh viên, nhất là giới trẻ.

Song song đó, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo: Thuốc lá làm nóng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Dù được nung ở nhiệt độ thấp hơn, nhưng vẫn tạo ra những hóa chất tương tự như trong khói thuốc lá: Acrolein (chất gây kích ứng đường hô hấp mạnh), glycidol, formaldehyde và acetaldehyde (chất gây ung thư), carbon monoxide, hydrocarbon thơm đa vòng và các kim loại (nhôm, titan, stronti, molypden, thiếc và antimon).

Khói thuốc nung nóng ngoài gây hại cho người hút thì còn gây tác hại cho người xung quanh do hút thuốc thụ động. Vì thuốc lá nung nóng chứa nicotine là chất gây nghiện mạnh có hại cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, vị thành niên và phụ nữ có thai. Phơi nhiễm các chất có trong thuốc lá nung nóng có thể gây ung thư phổi, mũi, thực quản, gan, tuyến tụy và cổ tử cung. Làm giảm việc cung cấp oxy tới tim làm tăng nguy cơ gây huyết khối, bệnh tim và đột quỵ...[9].

Nguy cơ cháy nổ do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Khi sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có thể gặp phải chấn thương do cháy nổ thiết bị điện tử, các thiết bị trong thuốc lá điện tử có thể hỏng, lỗi và gây nổ gây ra các chấn thương, bỏng nghiêm trọng (miệng, mặt, cổ, mắt mũi, xương hàm). 

Thuốc lá điện tử gây cháy nổ phần lớn lỗi xảy ra với pin Lithium trong thuốc lá điện tử. Thuốc lá điện tử là thiết bị chạy bằng pin, người dùng có thể sạc pin hoặc thay pin để có thể sử dụng lại nhiều lần. Chất lỏng trong ống khi hết cũng có thể lắp ống mới. Để giảm giá thành, người dùng có thể mua sỉ chất lỏng và tự đổ vào ống. Khi đó các bộ phận thay thế không chính hãng, đó có thể là nguyên nhân gây cháy, nổ.

Những vật kim loại trong túi cũng có thể cọ xát với điếu thuốc, gây đoản mạch pin Lithium-ion, khiến chúng phát nổ. Vì vậy, người tiêu dùng cũng không nên để thuốc lá điện tử trong túi quần vì chúng sẽ va chạm với chìa khóa hoặc đồng hồ… [10].

Dấu hiệu sớm nhận biết trẻ dùng thuốc lá điện tử

  • Trẻ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe: Trẻ có thể có các biểu hiện hô hấp như ho, hụt hơi, khó thở vì trong thuốc lá điện tử có một số chất có hại cho phổi.
  • Trẻ thay đổi hành vi: Trẻ hay có biểu hiện lo âu, cáu gắt, thậm chí trẻ có xu hướng tham gia các hành vi mạo hiểm.
  • Tìm thấy những vật lạ trong nhà: Thuốc lá điện tử đa dạng về kích thước và hình dáng, do vậy có thể xuất hiện dưới dạng ống, USB,…
  • Xuất hiện mùi lạ: Thuốc lá điện tử thường có mùi hoa quả hấp dẫn trẻ. Những mùi phổ biến là mùi cam, bạc hà, chanh,…Nếu cha mẹ ngửi thấy những mùi hương bất thường trong nhà, có thể đó là dấu hiệu của việc trẻ dùng thuốc lá điện tử.
  • Những hành vi hoặc trò chuyện đáng ngờ với bạn bè: Trẻ có xu hướng lén lút sử dụng cùng với bạn bè, do vậy cha mẹ nên để ý khi trẻ có buổi đi chơi đáng ngờ, tham gia chơi cùng nhóm bạn mới, nhắn tin hay trò chuyện bí mật [11].

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có phải là sản phẩm giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường?

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới chưa có bằng chứng về việc thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá thông thường. WHO cũng không xác nhận thuốc lá điện tử là một biện pháp hỗ trợ cai nghiện[12]. Bằng chứng cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng có nguy cơ sử dụng thuốc lá thông thường, nhiều người sử dụng đồng thời cả thuốc lá điện tử và thuốc lá thông thường. Thuốc lá điện tử không những không giúp cai thuốc lá mà còn khiến người chưa hút thuốc trở thành nghiện nicotin [13]. Những người trẻ chưa từng hút thuốc lá điếu thông thường nhưng sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ nghiện thuốc lá điếu thông thường cao gấp 2-3 lần so với những người chưa từng sử dụng thuốc lá điện tử [3,14,15].

Như vậy,

  1. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không phải là một giải pháp thay thế cho thuốc lá truyền thống.
  2. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không phải là giải pháp cho cai nghiện thuốc lá.

Tài liệu tham khảo

  1. https://vnexpress.net/ngo-doc-thuoc-la-dien-tu-4582424.html
  2. https://moh.gov.vn/tin-tong-hop/-/asset_publisher/k206Q9qkZOqn/content/bo-y-te-canh-bao-a-co-nhieu-hoc-sinh-phai-cap-cuu-vi-ngo-oc-thuoc-la-ien-tu-nung-nong-shisha
  3. http://vinacosh.gov.vn/vi/hoat-dong/tai-lieu-truyen-thong/2023/04/81E20202/mot-so-thong-tin-ve-tac-hai-cua-viec-su-dung-thuoc-la-dien-tu-thuoc-la-nung-nong/
  4. https://www.mic.gov.vn/pcthtl/Pages/TinTuc/156415/Can-co-nhung-quy-dinh-ve-luat-chat-che-hon-voi-thuoc-la-the-he-moi.html
  5. https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-dia-phuong/-/asset_publisher/gHbla8vOQDuS/content/ty-le-su-dung-thuoc-la-ien-tu-tang-18-lan-sau-5-nam-nhieu-he-luy-khon-luong-cho-suc-khoe?
  6. https://vtv.vn/xa-hoi/gia-tang-ty-le-hut-thuoc-la-dien-tu-trong-lua-tuoi-thanh-thieu-nien-20230308133603686.htm
  7. https://thainguyen.gov.vn/bai-viet-thai-nguyen/-/asset_publisher/L0n17VJXU23O/content/nang-cao-canh-giac-voi-tac-hai-cua-thuoc-la-ien-tu?
  8. https://soyte.hanoi.gov.vn/tin-tuc-su-kien/-/asset_publisher/4IVkx5Jltnbg/content/8-hoc-sinh-nhap-vien-cap-cuu-do-hut-phai-thuoc-la-ien-tu
  9. https://soyte.hanoi.gov.vn/benh-khong-lay/-/asset_publisher/4IVkx5Jltnbg/content/tac-hai-cua-thuoc-la-ien-tu-thuoc-la-nung-nong-va-cac-chat-gay-nghien
  10. https://khoahocdoisong.vn/phong-nguy-co-thuoc-la-dien-tu-phat-no-post15200.html
  11. https://benhviennhitrunguong.gov.vn/hut-thuoc-la-dien-tu-rui-ro-va-hau-qua-khon-luong-voi-tre-vi-thanh-nien.html
  12. WHO, Báo cáo về Đại dịch thuốc lá toàn cầu năm 2019
  13. McAlinden KD, Eapen MS, Lu W, Sharma P, Sohal SS. The rise of electronic nicotine delivery systems and the emergence of electronic-cigarette-driven disease. Am J Physiol Lung Cell Mol Physiol. 2020 Oct 1;319(4):L585-L595.
  14. Berry KM, Fetterman JL, Benjamin EJ, Bhatnagar A, Barrington-Trimis JL, Leventhal AM et al. Association of electronic cigarette use with subsequent initiation of tobacco cigarettes in US youths. JAMA Open Network. 2019;2(2):e187794
  15. Owotomo O, Stritzel H, McCabe SE, Boyd CJ, Maslowsky J. Smoking Intention and Progression From E-Cigarette Use to Cigarette Smoking. Pediatrics. 2020 Dec;146(6):e2020002881.

 

          Người đưa tin: Bs.Nguyễn Thị Hồng Anh – P. DS-TT&GDSK


 

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi