Trả lời:
Rượu bia là chất hướng thần với đặc tính gây ra sự lệ thuộc. Rượu bia được sử dụng rộng rãi ở rất nhiều nền văn hóa qua nhiều thế kỷ. Sử dụng rượu bia ở mức nguy hại gây ra nhiều bệnh tật, là gánh nặng lớn về kinh tế và xã hội.
Theo Chiến lược toàn cầu về giảm sử dụng đồ uống có cồn ở mức nguy hại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khái niệm sử dụng rượu bia ở mức nguy hại rất rộng, bao gồm cả việc sử dụng mà gây ra các hệ quả bất lợi về sức khỏe và xã hội cho người uống, những người xung quanh và xã hội nói chung, cũng như các hình thức sử dụng rượu bia liên quan tới với việc gia tăng các nguy cơ gây bất lợi cho sức khỏe. Sử dụng rượu bia ở mức nguy hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và được coi là một trong các yếu tố nguy cơ chính dẫn đến sức khỏe kém trên toàn cầu. Uống rượu bia có thể hủy hoại cuộc sống của mỗi cá nhân, gây đổ vỡ gia đình và phá vỡ sự gắn kết cộng đồng.
Câu hỏi 2: Uống bia ít gây hại cho sức khỏe hơn so với uống rượu (rượu mạnh/rượu vang) có đúng không
Trả lời:
Không đúng. Tác hại đối với sức khỏe chủ yếu là do chất cồn (ethanol) trong đồ uống gây ra, vì vậy tác hại do rượu bia không phụ thuộc vào loại đồ uống (là bia hay rượu) mà phụ thuộc vào lượng uống (tiêu thụ bao nhiêu gam cồn) và cách thức uống (tần suất sử dụng hay uống ở mức nguy hại)
Câu hỏi 3: Thế nào là một đơn vị cồn tiêu chuẩn (Standard drink)?
Trả lời:
Để hình dung và ước tính khối lượng cồn nguyên chất đã tiêu thụ, nhiều quốc gia đã đưa định nghĩa đồ uống có cồn và định nghĩa về đơn vị chuẩn vào hướng dẫn quốc gia. 50 quốc gia đã định nghĩa đơn vị tiêu chuẩn tính theo gam chất cồn tuyệt đối. Cho đến nay, 10 gam là mức phổ thông nhất cho 1 đơn vị cồn tiêu chuẩn (tại 26 quốc gia).
Đơn vị cồn được tính bằng công thức sau: Đơn vị cồn = Dung tích (ml) x (Nồng độ (%) x Khối lượng riêng)
Ví dụ: Cốc bia 0,33 lít với nồng độ cồn 4% sẽ có 10.4 g đơn vị cồn. Cồn nguyên chất có khối lượng riêng là 0.793g/cm3 (ở 200C). Như vậy, 1 đơn vị tiêu chuẩn (10 gam cồn nguyên chất) tương đương với 3/4 chai hoặc một lon bia 330 ml (5%); 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); 1 cốc bia hơi 330 ml hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%)
Câu hỏi 4: Như thế nào gọi là uống rượu bia ở mức nguy hại (heavy episodic drink)?
Trả lời:
Uống rượu bia ở mức nguy hại được định nghĩa là trong 30 ngày qua có ít nhất 1 lần uống từ 60g cồn trở lên (6 đơn vị cồn trở lên). Uống rượu bia ở mức nguy hại là 1 trong những chỉ số quan trọng nhất phản ánh hậu quả cấp tính về sức khỏe và xã hội của việc sử dụng rượu bia, ví dụ như thương tích
Câu hỏi 5: Uống rượu bia ở ngưỡng nào thì có nguy cơ bất lợi cho sức khỏe?
Trả lời:
Năm 2016 Nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu đã kết luận ngưỡng an toàn cho sức khỏe là không uống. Cần thay đổi quan điểm lâu nay về lợi ích sức khỏe mà rượu bia đem lại bởi hiện nay các phương pháp nghiên cứu và phân tích tiến bộ hơn tiếp tục cho thấy sử dụng rượu bia góp phần gây ra gánh nặng lớn bệnh tật và tử vong trên toàn cầu.
Để giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe thì ngưỡng tiêu thụ rượu bia là 0 gram cồn mỗi tuần. Mặc dù một số nghiên cứu trước đây cho thấy uống rượu bia có thể có lợi cho cho tim nhưng chỉ trong điều kiện người uống đã trên 45 tuổi và uống với mức nguy cơ thấp (dưới 10 đơn vị cồn mỗi tuần, và trong tuần phải có ít nhất 2 ngày không uống hoàn toàn). Gần đây, ngày càng có nhiều nghiên cứu với phương pháp tiến hành và phân tích tiến bộ hơn cùng cho kết quả rằng rượu bia không có tác dụng bảo vệ hoặc tác dụng bảo vệ của rượu bia đối với bệnh tim mạch hoặc các nguyên nhân gây tử vong khác là không có ý nghĩa thống kê. Hơn nữa, tác dụng bảo vệ nói trên chỉ được nhìn nhận đơn lẻ mà không tính đến các rủi ro sức khỏe tổng thể của việc uống rượu bia – đặc biệt là mối liên hệ chặt chẽ giữa uống rượu và nguy cơ mắc ung thư, tai nạn thương tích và các bệnh truyền
nhiễm .
Nguồn: Bệnh viện Nhiệt Đới