Trong thời gian này thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được nhắc đến rất nhiều trên các diễn đàn. Nhiều người băn khoăn liệu có phải tỷ lệ người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang gia tăng?

Thạc sĩ, bác sĩ Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế, cho hay bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá, các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy thực trạng đáng báo động khi dù tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường giảm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ.

Poster tuyên truyền từ bỏ thuốc lá tại một cơ sở y tế ở Hà Nội. Ảnh: Minh An

Theo Điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử học sinh độ tuổi 13-15 là 3,5%.

Bằng chứng từ các nước cho phép sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy thuốc lá điện tử là nguyên nhân cho việc bắt đầu sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở thanh thiếu niên bởi bản chất vẫn là nghiện chất nicotin.

Vì vậy, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử có nhiều khả năng trở thành người hút thuốc lá điếu thông thường. Thanh thiếu niên chưa bao giờ hút thuốc nhưng sử dụng thuốc lá điện tử thì tỷ lệ chuyển sang hút thuốc lá điếu thông thường cao hơn 2-3,5 lần so với những thanh thiếu niên chưa từng sử dụng thuốc lá điện tử.

Việt Nam vốn là quốc gia có tỷ lệ nữ giới là người trưởng thành hút thuốc lá rất thấp so với nam giới. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá điện tử hướng đến người tiêu dùng là phụ nữ và trẻ em, tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng. Kèm theo đó sẽ là các hệ lụy về chất lượng giống nòi do hiện tượng nữ hóa vị thành niên, thanh niên, người trong độ tuổi sinh sản hút thuốc lá.

Nếu không quyết liệt ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới này tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại. Chúng ta sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần và các kết quả đạt được sẽ bị phá bỏ. 

Do đó, theo bà Hải, Việt Nam sẽ phải nỗ lực hơn, tốn kém nhân lực và tài chính hơn nữa trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giải quyết những gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá cũng như các hệ lụy về xã hội, kinh tế, môi trường, đặc biệt là các hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của thế hệ trẻ.

Minh An Nguồn: Vietnamnet.vn