HOTLINE

Nói không với thuốc lá trong trường học

Tình trạng một số học sinh tiếp cận sớm với thuốc lá dẫn đến nghiện thuốc lá đang trở thành mối lo của nhiều gia đình và toàn xã hội.

Tiểu phẩm của học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình.Tiểu phẩm của học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình.

Trước thực trạng đó, ngành GD&ĐT TPHCM đã chỉ đạo tăng cường tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá trong các nhà trường.

Đa dạng nội dung, phương thức tuyên truyền

Mới đây, trong tiết sinh hoạt dưới cờ ngày 25/11, Trường THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình, TPHCM) đã tổ chức truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá giúp học sinh nắm rõ hơn về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và môi trường sống của con người.

Theo đó, báo cáo viên, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Anh đến từ Trung tâm Y tế Quận Tân Bình đã thông tin đến các em về tác hại của hút thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Đồng thời phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử lý vi phạm trong lĩnh vực y tế.

phong-chong-tac-hai-thuoc-la-1.jpg
Học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình tham gia trả lời các câu hỏi từ diễn giả.

Trong buổi tuyên truyền, các em học sinh cùng tham gia trả lời trực tiếp câu hỏi từ báo cáo viên. Qua đó đã tạo kích thích sự quan tâm, chú ý lắng nghe nội dung được tuyên truyền, tạo không khí thêm sôi nổi, tránh nhàm chán khi chỉ nghe một chiều.

Bác sĩ Hồng Anh nhấn mạnh: “Mọi sản phẩm thuốc lá đều gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người, xã hội, kinh tế. Trong khi đó, Bộ Y tế chưa cho phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh thuốc lá điện tử và các loại tương tự tại Việt Nam. Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng…. làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá, đặc biệt là trong đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ, người chưa hút thuốc lá”.

Cũng tại buổi tuyên truyền, học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình đã biểu diễn tiểu phẩm nói về tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử. Nội dung chính xoay quanh việc một học sinh sử dụng thuốc lá điện tử dẫn đến sa sút việc học, sức khỏe vì thế mà cũng bị ảnh hưởng đến mức phải nhập viện để điều trị. Trong quá trình điều trị em học sinh này được các bạn cùng lớp và thầy cô đến thăm hỏi, động viên từ đó nhận ra tác hại của hút thuốc lá điện tử và tự hứa sẽ không bao giờ sử dụng dù chỉ một lần.

Theo cô Đoàn Thị Thu Hoài, Hiệu trưởng nhà trường, tiểu phẩm được lấy ý tưởng từ những tình huống thật trong thực tế từ cuộc sống như việc học sinh, sinh viên bị sốc thuốc lá điện tử. Các em đã chủ động tìm hiểu, xây dựng tiểu phẩm mang thông điệp ý nghĩa về việc nói không với thuốc lá điện tử.

“Việc tổ chức các buổi ngoại khóa và giáo dục thực hành kỹ năng bảo vệ bản thân sẽ giúp học sinh có thể tự bảo vệ mình một cách tốt nhất, ngăn chặn những tình trạng đáng tiếc tương tự xảy ra trong tương lai”, cô Hoài cho hay

Nói không với thuốc lá điện tử

Tháng 4/2023, Sở GD&ĐT TPHCM đã có văn bản gửi các đơn vị, trường học về tăng cường công tác truyền thông, giáo dục phòng ngừa tác hại của thuốc lá mới. Theo đó, đơn vị này đề nghị Trưởng phòng GD&ĐT TP Thủ Đức và các quận, huyện; Hiệu trưởng trường THPT, trường THPT nhiều cấp học; Giám đốc trung tâm GDNN-GDTX, trung tâm GDTX; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc chỉ đạo, triển khai hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học trên địa bàn.

Cụ thể, hằng năm, các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đồng thời đưa nội dung thực hiện công tác phòng, chống thuốc lá vào tiêu chí chấm thi đua đối với cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên thực hiện tốt công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.

phong-chong-tac-hai-thuoc-la.jpg
Cô Hoài tặng hoa báo cáo viên chương trình truyền thông.

Bên cạnh đó, các đơn vị phải tăng cường công tác truyền thông, tập trung tuyên truyền, phổ biến và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục phòng ngừa tác hại của thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) cho học sinh, học viên. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tác hại thuốc lá, nhất là tuyên truyền về tác hại của thuốc lá mới.

Sở GD&ĐT TPHCM cũng yêu cầu các đơn vị đăng tải trên trang thông tin điện tử đơn vị về hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá mới; cập nhật các văn bản, quy định pháp luật mới liên quan về tác hại của thuốc lá.

Thời gian qua, các trường học tại TPHCM luôn chú trọng việc xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, nói không với khói thuốc lá. Trường thực hiện lồng ghép hiệu quả nội dung tuyên truyền về phòng chống tác hại thuốc lá trong các buổi chào cờ đầu tuần, các tiết sinh hoạt ngoại khoá, sinh hoạt đầu giờ, sinh hoạt lớp. Đồng thời nhắc nhở, phê bình, giáo dục, răn đe đối với những học sinh hút thuốc hoặc có hành vi lôi kéo bạn hút thuốc,…

Theo ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đang xuất hiện nhiều tình trạng lợi dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để lưu hành, sử dụng ma túy trái phép. Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ năm 2013 đã giúp tình trạng sử dụng thuốc lá điếu truyền thống cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, từ khi thuốc lá mới xuất hiện, nhiều khoảng trống về pháp lý đã lộ diện.

https://giaoducthoidai.vn/

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi