Tình trạng lạm dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng, nhất là với giới trẻ, gây ra gánh nặng lớn về y tế, kinh tế - xã hội. Để làm rõ hơn về hiểm họa của thuốc lá điện tử và các biện pháp quản lý, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Lương Ngọc Khuê (ảnh), Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia.
Phóng viên: Thưa ông, bên cạnh thuốc lá truyền thống thì hiện một bộ phận người trẻ có xu hướng lạm dụng thuốc lá điện tử, vấn đề này gây ra những hệ luỵ gì đối với sức khỏe người sử dụng?
PGS-TS LƯƠNG NGỌC KHUÊ: Tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành ở nước ta giảm trung bình 0,5% mỗi năm. Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng đã giảm, trong đó ở nhóm 13-17 tuổi giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% vào năm 2019.
Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng thuốc lá điện tử lại gia tăng, gây ra nhiều nguy hại tới sức khỏe của người sử dụng và cộng đồng. Theo thống kê của gần 700 cơ sở khám chữa bệnh, chỉ riêng năm 2023 có hơn 1.224 trường hợp phải nhập viện cấp cứu, điều trị do hút thuốc lá điện tử và thuốc lá mới, trong số này có nhiều người ở lứa tuổi vị thành niên.
Qua điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại 11 tỉnh thành cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, cũng đã tăng từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.
Ông có thể lý giải vì sao tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử hay các loại thuốc lá mới đang gia tăng?
Thuốc lá điện tử được thiết kế đa đạng với nhiều kiểu dáng, chủng loại, giá cả, hương vị, chủ yếu nhằm vào giới trẻ nên điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử tăng nhanh trong giới trẻ. Hơn nữa, công tác quản lý, kiểm soát mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá mới chưa chặt chẽ nên giới trẻ không khó để tiếp cận. Bên cạnh đó, phần lớn người sử dụng thuốc lá điện tử có suy nghĩ coi đây là sành điệu và không độc hại như thuốc lá điếu truyền thống.
Trong khi đó, thuốc lá điện tử và các dạng thuốc lá mới lại đang mở đầu cho xu hướng lạm dụng và nghiện các hóa chất nhân tạo tổng hợp, bao gồm nicotin và các loại ma túy thế hệ mới. Tình trạng này không chỉ gây ra gánh nặng rất lớn về y tế, kinh tế, an ninh trật tự mà còn ảnh hưởng đến giống nòi và nhiều lĩnh vực khác.
Chúng ta đã có Luật Phòng chống tác hại thuốc lá nhưng công tác quản lý mặt hàng thuốc lá điện tử, loại thuốc lá mới lại gặp nhiều khó khăn?
Thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá mới khác không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tác hại thuốc lá là rất cần thiết để quy định cấm các sản phẩm thuốc lá mới.
Tuy nhiên, trình tự, thủ tục để sửa đổi luật này cần nhiều thời gian. Do vậy, trước mắt, Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai.
Việc cấm thuốc lá điện tử là để bảo vệ sức khỏe người dân, nhưng việc này có đi ngược với xu thế của thế giới?
Thực tế, chính việc cho phép sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá mới là đi ngược lại các nguyên tắc giảm cung, giảm cầu của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá và Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử. Trong khu vực ASEAN, đã có 5 quốc gia cấm thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei và Campuchia.
Ở Việt Nam, liên quan tới thuốc lá điện tử, ngày 24-5-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, trong đó có mục tiêu ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.
Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 47/CĐ-TTg về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhằm kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tới sức khỏe của người sử dụng và cộng đồng. Bên cạnh đó, WHO cũng đã gửi khuyến nghị tới Quốc hội về việc cần sớm ban hành nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán thuốc lá điện tử, cũng như quảng cáo hoặc khuyến mại các sản phẩm này tại Việt Nam.
Nguồn: sggp.org.vn