HOTLINE

Uống rượu ngày Tết cẩn thận bị rối loạn tâm thần

SKĐS - Việc uống rượu vào ngày Tết với tần suất dày đặc không chỉ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gan… mà còn có thể gây ra các rối loạn tâm thần. Vậy rượu tác động đến hệ thần kinh như thế nào?

Vào ngày Tết, nhiều người không tránh khỏi những buổi liên hoan, gặp gỡ cùng với đó thói quen uống rượu bia cũng trở nên khó kiểm soát.

Uống rượu tác động đến hệ thần kinh như thế nào?

Rượu là chất ức chế và tác động đến não từ vỏ đến phần trung khu não. Đầu tiên rượu tác động đến phần vỏ não khiến con người thoát ra khỏi những ý tưởng, tư duy về đạo đức. Rượu khiến người uống cảm thấy không còn lo lắng, không suy nghĩ và vui vẻ, tự làm theo những gì bản thân muốn.

Sau khi tác động vào phần trung não, rượu sẽ gây ra các rối loạn về tập trung chú ý khiến người uống rượu nói linh tinh, nói trước quên sau và trả lời không liên quan tới câu hỏi.... đồng thời gây ra các rối loạn về giấc ngủ khiến người uống rượu ngủ nhiều hoặc không ngủ được.

Sâu hơn nữa, rượu khiến con người thay đổi về phản xạ cơ thể có các biểu hiện như: thở nhanh, nôn mửa, nấc không kiểm soát, rối loạn nhịp tim… Với mức độ này có thể khiến các chức năng sống cơ bản bị ức chế và nguy hiểm cho tính mạng.

 Dấu hiệu rối loạn tâm thần do rượu

Biểu hiện rối loạn tâm thần do rượu cũng tương tự các rối loạn tâm thần khác. Tuy nhiên các biểu hiện của rối loạn tâm thần do rượu dễ bị nhầm lẫn vì giống với người say rượu. Ở mỗi người, biểu hiện của rối loạn tâm thần do rượu cũng không giống nhau, một số biểu hiện có thể gặp là:

Mê sảng

Thấy những thứ không có (ảo giác thị giác)

Ngửi thấy những mùi không có (ảo giác khướu giác)

Nghe thấy những âm thanh người khác không nghe thấy/không thể nghe (ảo giác thính giác)

Có cảm giác người khác chạm vào cơ thể (ảo giác xúc giác)

Cảm giác đang nếm những thứ không có trong miệng (ảo giác vị giác)

Tin vào những khả năng/sức mạnh mà bản thân không có. Tin vào những điều không có thật.

Những ai dễ bị rối loạn tâm thần do uống rượu?

1. Người nghiện rượu: Người nghiện rượu được xác định dựa vào các yếu tố sau:

  • Có hậu quả về xã hội
  • Có hậu quả về cơ thể
  • Biết tác hại của rượu nhưng vẫn uống
  • Tìm mọi cách để uống rượu, có nhu cầu uống rượu
  • Không kiểm soát được hành vi
  • Uống rượu với lượng nhiều.

Từ đó chia ra các mức độ nghiện rượu làm 3 mức độ:

Mức độ 1: Uống rượu khi buồn chán, thích uống rượu mỗi lần từ khoảng 200-300ml.

Mức độ 2: Người đã uống rượu từ 5-10 năm, mỗi lần uống khoảng 0,5 đến 1l rượu. Uống thường xuyên, khi không uống rượu thì có cảm giác bứt rứt trong người

Mức độ 3: Uống rượu trên 10 năm, chỉ cần uống ít là xuất hiện tình trạng say, nói năng mất kiểm soát.

2. Nhiễm độc rượu (say rượu): Với trường hợp say rượu được chia làm 2 loại:

- Say rượu thông thường: Khi người bệnh uống rượu và có các biểu hiện cáu giận, lo âu, cảm xúc không ổn định, rối loạn hành vi… Tình trạng này không kéo dài mà phụ thuộc vào lượng uống, loại rượu uống.

- Say rượu bệnh lý: Người bệnh uống rượu ít những lại có những biểu hiện rối loạn tâm thần cấp tính, rầm rộ về cả tâm thần lẫn cơ thể. Người bệnh có thể thực hiện nhiều hành vi nguy hiểm và không thể kiểm soát được như đánh đập, tự sát, mắng chửi… Tình trạng này cũng có thể hết sau cơn say rượu bệnh lý.

3. Rối loạn tâm thần cai rượu: Là trường hợp những người cai rượu đột ngột khi đang phụ thuộc vào rượu. Một loạt các triệu chứng có thể sẽ xảy ra như: khó chịu, run nhiều, bồn chồn, sợ hãi, gặp ác mộng, rối loạn nhịp tim… Những người nghiện rượu tuyệt đối không được cai rượu ở nhà vì có thể có nguy cơ tử vong cao.

4. Những người uống rượu nhiều, thường xuyên có thể gặp tình trạng sa sút về trí tuệ, sa sút tinh thần, tư duy nhận thức giảm suy giảm một cách mạn tính.

BSCKI Đoàn Sơn Tùng – Bệnh viện tâm thần Trung ương

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi