HOTLINE

LỢI ÍCH CỦA VIỆC TIÊM NHẮC LẠI CÁC LOẠI VẮC XIN CHO TRẺ

Ngày nay, đa phần các bậc phụ huynh đều ý thức được tầm quan trọng của việc sử dụng vắc xin cho trẻ, vì lẽ đó nên hầu như trẻ nào cũng được sử dụng đầy đủ vắc xin trong lần đầu tiên. Tuy nhiên một số cha mẹ lại chưa hiểu đúng được tầm quan trọng của việc tiêm nhắc lại vắc xin cho trẻ.

          Cơ chế hoạt động của vắc xin?

Nguyên lý của việc sử dụng vắc xin là đưa vào cơ thể kháng nguyên có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh hoặc vi sinh vật có cấu trúc kháng nguyên giống vi sinh vật gây bệnh, đã được bào chế đảm bảo độ an toàn cần thiết, làm cho cơ thể tự tạo ra tình trạng miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh (nghĩa là gây miễn dịch chủ động nhân tạo).

Việc sử dụng vắc xin thực chất là chủ động tạo ra miễn dịch thu được cho cơ thể. Trẻ sau khi được sử dụng vắc xin lần đầu, hệ miễn dịch được kích thích để tạo các đáp ứng miễn dịch đầu tiên. Tuy nhiên các đáp ứng này “chưa đủ mạnh, chưa bền vững”.

Vì sao cần tiêm nhắc lại các mũi vắc xin?

Sở dĩ cần có các mũi tiêm nhắc lại vì kháng thể bảo vệ có được sau khi tiêm đủ liều một loại vắc xin có khả năng giảm dần theo thời gian. Do vậy trẻ đã tiêm chủng có thể bị mắc bệnh nếu không được tiêm chủng nhắc lại. Độ bền vững của kháng thể phụ thuộc vào bản chất của vắc xin, công nghệ sản xuất, khả năng đáp ứng của cơ thể... Nói chung miễn dịch được tạo ra bởi các loại vắc xin sẽ giảm dần theo thời gian, đến một lúc nào đó cơ thể không đủ sức chống lại sự tấn công của mầm bệnh.

 

Do đó việc tiêm nhắc lại chính là hành động để hệ miễn dịch của trẻ tiếp xúc lại với kháng nguyên đã gây mẫn cảm để tạo ra đáp ứng miễn dịch lần tiếp theo với cường độ mạnh hơn, thời gian đáp ứng nhanh hơn, thời gian duy trì kéo dài hơn (củng cố đáp ứng miễn dịch cho trẻ về cả hiệu lực và thời gian), bảo vệ cho trẻ trong tương lai khi gặp phải tác nhân gây bệnh thực sự.

Việc tiêm các mũi nhắc lại chỉ có hiệu quả với các vắc xin tạo được trí nhớ miễn dịch qua các mũi tiêm trước đó. Với các vắc xin không tạo được trí nhớ miễn dịch hoặc có miễn dịch bảo vệ tồn tại quá ngắn trong cơ thể thì việc tiêm các mũi sau đó phải coi như là tiêm mới. Ngược lại một số vắc xin có miễn dịch bền vững trong nhiều năm như vắc xin sởi thì việc tiêm các mũi vắc xin bổ sung lại nhằm mục đích chủ yếu là tạo miễn dịch cho những trẻ bị bỏ sót chưa tiêm trong các hoạt động tiêm chủng trước đó hoặc những trẻ chưa tạo được miễn dịch sau các lần tiêm trước.

Các loại vắc xin nào cần tiêm nhắc?

Nhiều loại vắc xin cần được tiêm nhắc lại như vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib, thuỷ đậu, viêm não Nhật Bản, bại liệt, phế cầu...Đây là các vắc xin tạo được kháng thể bảo vệ khoảng 3-10 năm, trong thời gian này nếu không tiêm nhắc, khi phơi nhiễm với mầm bệnh vẫn có thể bị mắc bệnh. Mặt khác các vắc xin này lại tạo được trí nhớ miễn dịch tốt nên sau chỉ một mũi tiêm nhắc, hiệu giá kháng thể bảo vệ, tức là sức chống đỡ của cơ thể lại tăng lên rất cao.

Nguyễn Hùng Nhơn/ Khoa Kiểm soát bệnh tật

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi