HOTLINE

VẮC XIN BẠI LIỆT ĐƯỜNG TIÊM (IPV) MŨI 2 ĐƯỢC ĐƯA VÀO CHƯƠNG TRÌNH TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG CHO TRẺ DƯỚI 1 TUỔI

Bệnh bại liệt là một bệnh truyền nhiễm rất cao do poliovirus tấn công hệ thần kinh. Trẻ em dưới 5 tuổi có khả năng nhiễm virus này cao hơn bất kỳ nhóm nào khác. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 1 trong 200 ca nhiễm bệnh bại liệt sẽ dẫn đến tê liệt vĩnh viễn. Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh bại liệt là tiêm vắc-xin bại liệt. Trẻ em nên được tiêm phòng bại liệt theo lịch tiêm chủng.

Hình ảnh trẻ mắc bệnh bại liệt

Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch 7479/KH-SYT ngày 21/10/2022 về việc triển khai tiêm vắc xin bại liệt mũi 2 (IPV2) cho trẻ dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây được xem là một hành động cần thiết để tăng cường bảo vệ đối với bệnh bại liệt cho trẻ dưới 1 tuổi cũng như duy trì thành quả thanh toán bại liệt.

Thành phố Hồ Chí Minh đặt chỉ tiêu ít nhất 90% trẻ từ 9 tháng đến dưới 1 tuổi trên địa bàn đã tiêm mũi 1 vắc xin IPV được tiêm mũi 2 vắc xin IPV trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Vắc xin IPV2 sẽ được tiêm hoàn toàn miễn phí cho trẻ từ 09 tháng đến dưới 1 tuổi tại các điểm tiêm trạm y tế xã, phường, thị trấn, trên toàn thành phố theo lịch tiêm chủng mở rộng tại từng trạm.

Lịch tiêm vắc xin IPV (Nguồn ảnh: HCDC)

Sở Y tế cũng lưu ý các đơn vị khi triển khai đứa vắc xin IPV mũi 2 vào chương trình tiêm chủng mở rộng, trường hợp trẻ đã tiêm ít nhất 2 mũi vắc xin có thành phần bại liệt IPV trong tiêm chủng dịch vụ (Pentaxim hoặc vắc xin “6 trong 1” như Infanrix Hexa, Hexaxim,…) sẽ không tiêm mũi 2 trong Tiêm chủng mở rộng. Như vậy theo chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ sẽ được chủng ngừa 5 liều vắc xin chứa thành phần bại liệt, bao gồm: 3 liều vắc xin bại liệt đường uống (bOPV, bOPV2, bOPV3) và 2 liều vắc xin bại liệt đường tiêm (IPV1, IPV2).

Vắc xin IPV sử dụng trong chương trình TCMR là vắc xin do tổ chức Liên minh toàn cầu vắc xin và tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ, vắc xin của hãng Sanofi, Pháp sản xuất, vắc xin đã được cấp phép đăng ký lưu hành tại Việt Nam QLVX-879-15, ngày 14/7/2015. Trước đó, Vắc xin này đã được đăng ký lưu hành sử dụng tại Pháp từ năm 1982, hiện đã sử dụng tại 111 quốc gia với tổng số hơn 540 triệu liều. Qua quá trình sử dụng, vắc xin IPV được chứng minh là rất an toàn và hiếm khi gây phản ứng nặng.

Cũng giống như các vắc xin khác, sau khi tiêm vắc xin IPV có thể gặp phản ứng không mong muốn, các phản ứng thông thường tại chỗ tiêm như đau, quầng đỏ, phản ứng sốt vừa thoáng qua, phản ứng khác rất hiếm gặp.

Hướng dẫn theo dõi trẻ sau tiêm vắc xin bại liệt (Nguồn ảnh: HCDC)

Đối tượng trong tháng đầu tiên triển khai sẽ bao gồm trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 1 tuổi. Vì vậy, ước tính số đối tượng trong tháng đầu tiên triển khai sẽ bằng số đối tượng tiêm chủng của tháng nhân ba.

Người đưa tin: Bs.Nguyễn Hoàng Phúc Nguyên – P.TTGDSK

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi