Trước thực trạng ô nhiễm môi trường và tác động của biến đổi khí hậu, TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra các chiến lược quản lý nguồn nước dài hạn, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về thực hành tiết kiệm, giảm lãng phí nguồn nước.
Từ năm 2017, TP.HCM đã công bố đạt tỷ lệ 100% hộ dân được cung cấp nước sạch. Đi cùng với thành công đạt được, Thành phố cũng phải đối mặt với không ít các khó khăn thử thách, nhất là trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng và tác động của biến đổi khí hậu ngày càng lớn. Môi trường nước bị ô nhiễm và nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo chất lượng có thể gây ra những vấn đề đối với sức khỏe, đời sống của con người, động thực vật và kéo theo sự sụt giảm của nền kinh tế.
Con người khi sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm lâu ngày, sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường ruột, dịch tả, các bệnh lý về da, gây ngộ độc hoặc mắc các bệnh ung thư, dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ, … gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tuổi thọ giảm và năng suất làm việc cũng kém đi. Dẫn đến kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế. Bên cạnh đó, khi lượng rác thải và nước thải bốc mùi hôi thối khó chịu cũng sẽ làm mất mỹ quan đô thị. Việc xả thẳng các chất thải chưa được xử lý ra môi trường sẽ khiến nguồn sống của các sinh vật bị ô nhiễm, các sinh, thực vật dưới nước chết dần, làm mất cân bằng hệ sinh thái.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến tài nguyên nước mặt bằng việc thay đổi lưu lượng của dòng chảy, xu hướng giảm dần do thiếu hụt lượng mưa trong thời kỳ kéo dài. Thêm vào đó, lượng bốc hơi trung bình hàng năm tăng do nhiệt độ gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tự điều chỉnh của sông suối, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước do tích tụ các lớp chất trầm tích, đẩy mạnh sự phân hủy của cacbon hữu cơ tạo nên môi trường “phú dưỡng”, gia tăng hàm lượng các chất ô nhiễm trong hệ thống nước mặt.
Hiện nay, hệ thống các nhà máy nước tại TP.HCM chủ yếu sử dụng nguồn nước mặt (chiếm 95% tổng sản lượng) từ hệ thống sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Tuy nhiên, TP.HCM nằm cuối lưu vực của sông nên việc kiểm soát chất lượng nguồn nước gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước, Thành phố đã đưa ra kế hoạch toàn diện cho các chiến lược quản lý nguồn nước dài hạn. Đồng thời, lên nhiều phương án kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt nguồn nước thô trước khi vào nhà máy, trang bị hệ thống giám sát chất lượng nước từ đầu nguồn đến khi nước vào nhà máy xử lý nước, theo dõi các thông số về chất lượng nước hàng giờ tại nhà máy xử lý nước, cũng như triển khai kế hoạch cấp nước an toàn. Cùng với đó là các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về thực hành sử dụng nước bền vững, tiết kiệm và giảm lãng phí nguồn nước.
Về phía Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện ngoại kiểm giám sát chất lượng các nguồn nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn Thành phố theo Thông tư số 41/2018/TT-BYT. Qua đó nâng cao trách nhiệm và kịp thời cảnh báo tới các đơn vị cấp nước khi chất lượng nước xử lý không đạt theo quy chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh