HOTLINE

Đưa thêm thuốc BHYT về trạm y tế: lợi cả đôi đường

TTO - Việc thiếu nhiều loại thuốc BHYT điều trị các bệnh không lây nhiễm ở các trạm y tế tại TP.HCM trở nên cấp bách khi mới đây lãnh đạo TP đề nghị Bộ Y tế chấp thuận cho mở rộng thí điểm 40 loại thuốc BHYT của bệnh viện hạng 3, 4 cho trạm y tế.

Nhiều bệnh nhân cao tuổi chờ khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Hà Nội - Ảnh: D.LIỄU

TP.HCM mong mỏi từng ngày đề nghị này được Bộ Y tế chấp thuận, giúp người dân mắc bệnh mãn tính có đầy đủ thuốc khi được quản lý tại trạm y tế, thay vì phải xếp hàng chờ đợi ở bệnh viện tuyến trên. Người bệnh ở Hà Nội cũng chung tình cảnh.

 



 

Gần trạm y tế nhưng phải đến bệnh viện

Ghi nhận tại quầy khám bệnh và cấp phát thuốc BHYT tại Bệnh viện quận 1 (TP.HCM) lúc 7h30 ngày 11-11, rất đông bệnh nhân, chủ yếu là cao tuổi đang mang trong người một hoặc nhiều căn bệnh mãn tính đang chờ đợi được khám và nhận thuốc BHYT. 

Nhiều người bệnh chia sẻ họ đã có mặt từ hơn 6h, bốc số thứ tự để có thể hoàn thành việc khám, nhận thuốc trong buổi sáng. Nếu đến bệnh viện trễ hơn thì khám, nhận thuốc không kịp trong một buổi.

Hòa trong dòng người đang chờ đợi đến lượt khám, bà Nguyễn Thị Hoa (76 tuổi, ngụ phường Bến Nghé, quận 1) cho biết bà và chồng (82 tuổi) cứ 20 ngày mỗi tháng là đến Bệnh viện quận 1 để khám, nhận thuốc BHYT điều trị bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, suy tim... trong suốt năm năm qua. 

"Đúng là trạm y tế gần nhà, khám ở đây sẽ không phải đi xa hơn nhưng lại không đủ thuốc, không đủ bác sĩ, thiếu máy móc thì làm sao những người mắc bệnh mãn tính như vợ chồng tôi được điều trị ổn định. Còn ở đây, dù phải chờ đợi nhưng đủ thuốc, máy móc, bác sĩ lại tận tình", bà Hoa nói.

Cũng có chức năng quản lý người dân mắc các bệnh không lây nhiễm trên địa bàn, nhưng thời gian qua các trạm y tế tại TP.HCM không có đủ thuốc để cung cấp. 

Có mặt tại Trạm y tế phường Đa Kao (quận 1) trong hơn hai tiếng đồng hồ ngày 10-11, chúng tôi ghi nhận chỉ có bệnh nhân đến xét nghiệm dịch COVID-19, tiêm vắc xin phòng COVID-19, băng bó vết thương... 

Đại diện trạm y tế này cho hay cùng với tình hình chung của các trạm y tế TP, đơn vị đang thiếu nhiều loại thuốc BHYT điều trị cho người mắc bệnh mãn tính.

Tương tự, tại Hà Nội, bà Hải (60 tuổi, huyện Ứng Hòa) mắc bệnh tiểu đường nhiều năm nay nhưng vẫn phải đến bệnh viện tuyến huyện cách nhà hơn 10km để lấy thuốc định kỳ. 

"Trạm y tế gần nhà nhưng không có thuốc nên phải xuống bệnh viện huyện để khám, lấy thuốc. Bệnh viện huyện ở xa và đông nên mỗi lần đi đều phải nhờ các con đưa đi. Nếu trạm y tế có thuốc thì sẽ giảm nhiều thời gian và chi phí cho người bệnh", bà Hải nói.

Theo ghi nhận tại một số trạm y tế ở Hà Nội, hầu hết người dân chỉ đến trạm để nhờ hỗ trợ tiêm, truyền dịch hoặc có biểu hiện ho, sốt. Với những người dân mắc bệnh mãn tính chủ yếu khám, chữa bệnh tại các bệnh viện gần địa bàn dân cư.

 

Phải có đủ thuốc mới "hút" bệnh nhân

Sở Y tế TP.HCM cho rằng trạm y tế thiếu nhiều loại thuốc BHYT là nguyên nhân khiến bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại các bệnh viện tuyến trên, thay vì trạm y tế dù lẽ ra, họ sẽ ưu tiên đến nơi gần nhà hơn. 

Nếu so với danh mục thuốc tại bệnh viện tuyến huyện thì trạm y tế đang thiếu nhiều loại thuốc, trong đó có 40 loại thuốc được hội đồng chuyên môn của ngành y tế TP.HCM đánh giá rất cần thiết.

Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm, giám đốc Bệnh viện quận 1, cho biết bệnh viện thực hiện tự chủ nhiều năm qua và luôn nỗ lực thu hút bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện. 

Thực tế, số lượng bệnh nhân, trong đó có bệnh nhân có thẻ BHYT đến khám, điều trị tại bệnh viện rất đông. Bệnh viện không chỉ thu hút người dân khám bệnh BHYT trên địa bàn quận 1 mà còn các quận lân cận.

Theo bác sĩ Tâm, nếu trạm y tế trên địa bàn TP.HCM được mở rộng thêm 40 loại thuốc BHYT thì cũng chia sẻ lượng bệnh nhân khám BHYT tại các bệnh viện tuyến trên. 

Tuy nhiên, hiện các trạm y tế còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, thuốc men, vật tư y tế, bên cạnh niềm tin của người bệnh thường đặt nhiều ở bệnh viện tuyến trên.

Theo một trưởng trạm y tế xã tại ngoại thành Hà Nội, hầu hết trạm chỉ thăm khám ban đầu. Chủ yếu người dân có biểu hiện sốt, ho nhẹ mới đến trạm. 

Còn lại họ thường đến bệnh viện huyện để điều trị. Về việc quản lý bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, hiện trạm quản lý khoảng 70 bệnh nhân tiểu đường, 230 bệnh nhân huyết áp trên tổng số 4.000 dân.

"Tuy nhiên, chỉ có 100 người bệnh mắc huyết áp được điều trị, cấp thuốc tại trạm y tế. Còn lại bệnh nhân tiểu đường và các bệnh nhân huyết áp còn lại không được cấp phát thuốc và thăm khám tại trạm", trưởng trạm y tế này nói. 

Nguyên nhân là do hiện trạm chưa được cấp phát thuốc điều trị tiểu đường. Với những bệnh nhân mắc huyết áp có kèm theo các bệnh lý khác trạm không được cấp thuốc. Người dân phải đến trung tâm y tế, bệnh viện để được thăm khám, cấp phát thuốc BHYT.

Việc thiếu rất nhiều loại thuốc BHYT điều trị các bệnh không lây nhiễm ở các trạm y tế tại TP.HCM trở nên cấp bách hơn bao giờ hết - Ảnh: DUYÊN PHAN

 

Làm sao đạt hiệu quả, nếu được Bộ Y tế đồng ý?

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, đại diện Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết đã nhận được đề xuất của TP.HCM cho trạm y tế mở rộng 40 loại thuốc của bệnh viện hạng 3, 4. Hiện vụ đang nghiên cứu, lấy ý kiến chuyên môn và sẽ thông tin sau.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, phó giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết trong năm 2022, Sở Y tế TP.HCM triển khai kế hoạch nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, trong đó có triển khai chương trình đưa các bệnh mãn tính không lây về quản lý tại trạm y tế với mục tiêu là quản lý, theo dõi và điều trị bệnh nhân mắc bệnh mãn tính không lây tại trạm y tế nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến trên và tạo điều kiện cho người dân khi đi khám chữa bệnh.

Trên cơ sở đó, BHXH TP và Sở Y tế đã có nhiều phiên họp, thảo luận và thống nhất danh mục sử dụng cho các bệnh nhân này tại các trạm y tế phường, xã. Tuy nhiên theo quy định tại thông tư 30 năm 2018 của Bộ Y tế thì cần thêm 40 loại thuốc của tuyến trên mới đủ nhu cầu phục vụ cho đối tượng này. 

Vì vậy BHXH TP đề nghị Sở Y tế TP báo cáo hoặc xây dựng đề án và trình UBND TP phê duyệt và báo cáo xin phép Bộ Y tế cho tổ chức thí điểm tại các trạm y tế trên địa bàn TP, đồng thời BHXH TP trình BHXH Việt Nam để triển khai thực hiện đề án.

Khi Bộ Y tế đồng ý cho TP thí điểm mở rộng 40 loại thuốc BHYT thì các trạm y tế cần đảm bảo những yêu cầu gì để việc này có hiệu quả, tránh lãng phí? 

Trả lời câu hỏi này, bà Hằng cho rằng khi được sự đồng thuận của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, một số công tác mà trạm y tế phải được triển khai là nâng cao năng lực khám và điều trị, có đội ngũ bác sĩ đủ điều kiện hành nghề theo quy định tại Luật khám bệnh, chữa bệnh, trang bị phần mềm viện phí (HIS) phục vụ việc thống kê thanh toán BHYT.

Đối với Sở Y tế TP.HCM, cần lựa chọn các cơ sở khám chữa bệnh đủ năng lực để tổ chức đấu thầu cung ứng thuốc cho trạm y tế đầy đủ, kịp thời. 

Sở Y tế cũng có định hướng chỉ đạo các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và kết nối với các bệnh viện tuyến trung ương trên địa bàn vận động, tuyên truyền và chuyển bệnh nhân mãn tính ổn định thuộc đề án về điều trị và cấp thuốc tại trạm y tế.

Quan trọng hơn hết là tổ chức truyền thông để người dân hiểu được chủ trương của đề án và đồng thuận khám, điều trị tại trạm y tế. 

"Việc vận động người dân mắc bệnh mãn tính không lây đang khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến trên tin tưởng về các trạm y tế để quản lý, theo dõi và khám chữa bệnh đóng vai trò rất quan trọng cho sự thành công của chương trình này", bà Hằng chia sẻ.

 

Các trạm y tế còn thiếu nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm không steroid; 20 loại thuốc điều trị tăng huyết áp (Acebutolol, Amlodipin, Imidapril...), thuốc điều trị suy tim Ivabradin, 5 nhóm thuốc hạ lipid máu, insulin và nhóm thuốc hạ đường huyết, 6 nhóm thuốc chữa hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Đại diện Sở Y tế TP.HCM chia sẻ ngành y tế TP mong mỏi từng ngày được Bộ Y tế chấp thuận cho mở rộng thí điểm 40 loại thuốc nêu trên để nâng cao năng lực y tế cơ sở, bước đầu thu hút và tạo niềm tin cho người dân đến trạm y tế.

Nâng cấp toàn diện trạm y tế để không lãng phí thuốc

Bệnh nhân nhận thuốc BHYT tại Bệnh viện quận 1, TP.HCM sáng 11-11 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Một lãnh đạo bệnh viện tại Hà Nội cho rằng việc mở rộng danh mục thuốc điều trị mãn tính ngoại trú cho người dân và đảm bảo đủ thuốc cho trạm y tế xã, phường là điều cần thiết. Nếu làm tốt, trạm y tế sẽ giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Tuy nhiên cần phải cân nhắc khi bổ sung các loại thuốc BHYT tại trạm y tế để tránh lãng phí. Đặc biệt là hiện nay cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên môn tại trạm y tế xã, phường còn nhiều hạn chế.

Theo vị này, với một số loại biệt dược điều trị bệnh mãn tính cần có sự thăm khám, theo dõi của bác sĩ chuyên môn. Nếu đưa cấp thuốc tại trạm y tế, vấn đề chuyên môn cũng cần đặt ra. Điều quan trọng là cần nâng cao cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên môn ở trạm y tế... để thu hút thêm người bệnh và tránh lãng phí thuốc được cấp.

Trong khi đó, một bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cũng đồng tình với việc quản lý các bệnh mãn tính không lây nhiễm tại trạm y tế là điều cần thiết nên bổ sung thêm danh mục thuốc điều trị như TP.HCM đề nghị nhằm đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Thực tế, với những bệnh mãn tính không lây như huyết áp, tiểu đường... không quá khó để quản lý.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất hiện nay cần làm là nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị và trình độ chuyên môn cho tuyến cơ sở. Chẳng hạn, hiện các bệnh viện có thể kê đơn thuốc đủ uống trong vòng một tháng, tái khám định kỳ 2 - 3 tháng một lần đối với từng trường hợp bệnh nhân.

Nếu trạm y tế có đủ chuyên môn và thiết bị để theo dõi bệnh nhân, đủ thuốc để cấp phát thì sẽ giúp bệnh nhân giảm tải rất nhiều. Đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, việc đi lại còn gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn nữa vẫn là chuyện hiện nay nhiều người dân chưa "mặn mà" và tin tưởng khám, chữa bệnh ở trạm y tế.

Vì thế, cần có các biện pháp tuyên truyền để người dân lựa chọn trạm y tế thay vì đến bệnh viện. Bên cạnh đó, nếu trong trường hợp thuốc không được sử dụng hết, hoặc người dân theo dõi bệnh tại trạm mà bệnh diễn tiến nặng hơn thì phải xử lý như thế nào? Thế nên, việc nâng cao chất lượng dịch vụ ở trạm y tế là điều cần thiết hơn cả.

PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức (Trường ĐH Y dược TP.HCM):

Thiếu thuốc ở đâu cũng làm khổ người bệnh

Đối với những người mắc bệnh mãn tính mà không có đủ thuốc uống đều đặn, phải trì hoãn hay uống ngắt quãng sẽ rất nguy hiểm tính mạng.

Khi đề xuất cho các trạm y tế được mở rộng thêm 40 loại thuốc của TP.HCM được Bộ Y tế đồng ý thì rất tốt và cần "kéo" người dân đến các trạm y tế.

Tuy nhiên cũng cần làm sao để có đủ thuốc cho cả hệ thống cơ sở y tế, nhất là các bệnh viện tuyến cuối.

 

D.LIỄU
Nguồn tin : Báo Tuổi trẻ
 

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi